Lo ngại lạm dụng dấu "mật", hạn chế quyền tiếp cận thông tin

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp - bà Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp - bà Lê Thị Nga
TPO -   Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ lo ngại trước thực trạng đóng dấu mật quá nhiều, làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Sáng 21/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.

Trước khi trình bày các báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ lo ngại trước thực trạng đóng dấu mật quá nhiều, làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân. Theo bà Nga, nhiều ý kiến đã phản ánh, tại sao tại các phiên xét xử thì công khai, nhưng khi đánh giá tổng quát lại đóng dấu mật? Từ đó, Uỷ ban Thẩm tra cũng phải báo cáo mật, điều này làm hạn chế quyền tiếp cận của người dân, quyền con người…

Trước thực trạng trên, bà Nga đề nghị Bộ trưởng Công an, Viện trưởng VKSND TC, Chánh án TANDTC bóc tách ra, xem số liệu nào mật, số liệu nào không cần thiết phải mật, giúp cử tri, đại biểu tiếp cận dễ dàng, mặt khác còn để sau này đại biểu trả lời phỏng vấn, phát biểu công khai về kinh tế xã hội.

Vấn đề lạm dụng đóng dấu mật đã nhận được nhiều ý kiến khi các đại biểu Quốc hội, chuyên gia khi cho ý kiến về Luật tiếp cận thông tin. Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, còn phản ánh, có những loại giấy mời họp thậm chí cũng đóng dấu mật, quy định mật, điều này rất bất hợp lý.

MỚI - NÓNG