Ông nói: “Một nhiệm vụ quan trọng của báo chí theo Luật Báo chí là đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác. Để làm được điều này, pháp luật đã cho phép và tạo điều kiện sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để thu thập và khai thác các nguồn thông tin. Tuy nhiên, việc thu thập, sử dụng và khai thác thông tin phải theo quy định của pháp luật”.
Vậy hiểu như thế nào về cụm từ “theo quy định của pháp luật”?
Điểm b Khoản 1 Điều 15 Luật Báo chí quy định nhà báo được khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật. Ông Giang cho rằng, cần hiểu quy định này từ cả hai góc độ. Một là cách thức thu thập thông tin phải phù hợp với pháp luật, và hai là cách thức sử dụng và công cấp thông tin cũng phải phù hợp với pháp luật.
Cụ thể, đối với tài liệu của cơ quan, tổ chức nhà nước, Khoản 6 Điều 5 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/4/2002 quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí đã quy định việc sử dụng tài liệu của các tổ chức phải theo đúng những quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28/12/2000.
Đồng thời, Điều 9 quy chế bảo vệ bảo mật nhà nước trong ngành thanh tra được ban hành kèm theo Quyết định số 1657/2005/QĐ-TTCP ngày 6/9/2005 của Thanh tra Chính phủ đã quy định rất chặt chẽ về tìm hiểu và sử dụng các tài liệu mật của ngành này. Theo đó, tùy theo mức độ mật, tài liệu chỉ được phổ biến, sử dụng trong phạm vi giới hạn đối tượng nhất định.
Ông Giang nêu ví dụ: “Đối với tài liệu mật thì chỉ được phổ biến đến những người, những đơn vị có quan hệ đến việc thi hành văn bản. Việc tìm hiểu, sử dụng cũng phải ở nơi bảo đảm an toàn do thủ trưởng đơn vị quyết định, chỉ được ghi chép, ghi âm, ghi hình khi được phép của thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý bí mật nhà nước cần phổ biến. Người được nghe, được tìm hiểu, ghi chép, ghi âm, quay phim, chụp ảnh phải bảo quản, sử dụng bí mật nhà nước được phổ biến như tài liệu gốc”.
“Điều này có nghĩa, khi thu thập, khai thác, sử dụng tài liệu mật của cơ quan tổ chức, báo chí phải tuân thủ các nghĩa vụ mà pháp luật đòi hỏi đối với tài liệu mật đó. Việc làm lộ bí mật nhà nước sẽ có thể bị truy tố về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, hoặc tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước quy định tại Điều 263 và Điều 264 Bộ luật Hình sự 1999”.
Tuy nhiên, LS. Phạm Đức Giang cũng băn khoăn: “Danh mục tài liệu mật của mình hiện nay còn quá dài, nhiều tài liệu không đáng coi là mật, thì lại được đóng dấu mật. Chưa hết, nhiều tài liệu sau một thời gian nhất định không còn là mật nữa nhưng công tác rà soát để thay đổi độ mật, thậm chí là giải mật. Đây cũng là vấn đề cần được giải quyết để cơ quan báo chí có thể điều kiện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thông tin của mình”.
Theo Nguyên Khôi