Giá xăng đã ở mức cao nhất trong lịch sử. Mặc dù, tốc độ lạm phát đã chững lại, các chỉ số vĩ mô được đánh giá tích cực nhưng việc tăng giá xăng liên tục trong thời gian gần gây lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sức cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính ngày 8/7, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu, cơ quan quản lý đều thực hiện đánh giá tác động của biến động giá.
Do đó, khi điều hành giá có kết hợp hài hòa giữa việc sử dụng quỹ và trích quỹ để tránh sốc. Trong quá trình thực hiện, quỹ bình ổn giá là công cụ điều tiết quan trọng, số dư quỹ và khả năng sử dụng quỹ được so sánh với tất cả các yếu tố khác.
Nhìn lại các đợt điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua cho thấy, trong 7 tháng đầu năm đã có 5 đợt tăng giá xăng dầu mà chưa từng có đợt nào giảm giá trong khi cùng kỳ năm 2013 có 5 lần điều chỉnh với 3 lần điều chỉnh tăng giá và 2 lần giảm giá xăng dầu còn năm 2012 có 6 lần điều chỉnh với 2 lần tăng và tới 4 lần giảm giá.
Kể cả lần tăng giá ngày 18/12/2013, tổng cộng đã có 6 lần tăng liên tiếp, ghi nhận chuỗi tăng giá dài nhất từ trước đến nay. Với mức tăng giá tổng cộng hơn 1.800 đồng/lít xăng. Bên cạnh đó, so sánh bước tăng giá trong thời gian qua cho thấy, khi giá xăng thế giới nhích khoảng 700 đồng/lít, giá xăng trong nước có thể tăng đến 3.000 đồng/lít.
Cụ thể, ở giai đoạn cuối năm 2012, khi giá xăng RON 92 trên thị trường thế giới dao động quanh mức 117 - 119 USD/thùng, giá xăng trong nước ở mức 23.150 đồng/lít.
Tại thời điểm hiện nay, khi giá xăng thế giới dao động quanh mức 124 USD/thùng, tương ứng mức tăng 5 USD/thùng hay 700 đồng/lít thì giá xăng trong nước đã tăng gần 3.000 đồng/lít so với thời điểm cuối năm 2012.
Giá xăng ở mức cao do thuế và phí đang chiếm tỷ trọng lớn trong giá cơ sở. Hiện nay, riêng các loại thuế đang chiếm đến hơn 8.000 đồng/lít xăng. Ngoài ra, chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp đầu mối là 1.160 đồng/lít.
Do đó, khi giá xăng thế giới tăng ít, giá xăng trong nước tăng nhiều, do phải “cõng” khoản thuế cao. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá xăng trong nước luôn tăng mạnh hơn giá thế giới và giá xăng trong nước đang ở mức kỷ lục.
Đặc biệt, khi các chính sách điều hành xăng dầu “thiên vị” cho Nhà nước và doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi nhất. Bởi lẽ, việc trích quỹ bình ổn giá để giảm đà tăng cũng chỉ là cách lấy từ túi của người tiêu dùng trả cho người tiêu dùng.
Đánh giá về đợt tăng giá lần này, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc lớn vào giá xăng dầu thế giới. Do đó, khi giá xăng dầu thế giới tăng, giá xăng dầu trong nước khó có thể đứng yên được. Tuy nhiên, nếu so sánh với thị trường Mỹ, nơi giá xăng dầu được điều hành hoàn toàn theo thị trường thì giá xăng Việt Nam đang cao hơn giá xăng ở Mỹ khoảng 4.000 đồng/lít.
Cũng theo ông Ngô Trí Long, liên bộ Tài chính - Công Thương đã rất “khôn” khi chọn cách cho tăng giá nhỏ giọt nhưng tổng các mức tăng ở mức cao. Đáng chú ý, trong bối cảnh hiện nay khi khả năng cạnh tranh của nền kinh tế yếu, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sức mua người tiêu dùng thấp, việc tăng giá xăng sẽ làm cạn kiệt sức mua của người tiêu dùng.
Do đó, có thể tác động khiến doanh nghiệp ngày càng khó khăn, từ đó tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế.
Ông Long nêu ý kiến, Nhà nước nên điều hành theo hướng: khi giá thế giới còn tiếp tục tăng, Nhà nước nên xem xét các điều kiện đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, có thể tính đến việc giảm thuế, phí để giảm giá xăng. “Một vài phần trăm thuế có thể giúp giá xăng giảm và bớt áp lực cho người dân”, ông Long nhấn mạnh.
Liên quan đến quỹ bình ổn giá, ông Long cho rằng, nên thay đổi theo hướng chỉ thu khi giá thế giới giảm và tạo điều kiện tích lũy để bù đắp cho người tiêu dùng khi giá tăng cao.