Lo 'mọc' lò mổ chui

Xẻ thịt lợn tại lò mổ đạt chuẩn của Cty TNHH Minh Hiền. Ảnh: Phạm Anh
Xẻ thịt lợn tại lò mổ đạt chuẩn của Cty TNHH Minh Hiền. Ảnh: Phạm Anh
TP - Từ 1 - 12, khu giết mổ Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội), nơi thường cung cấp gần 50% lượng thịt cho thành phố, di dời sang lò mới ven đô. Tuy nhiên, mới chỉ 3/26 hộ chuyên doanh tại khu giết mổ này chịu đưa lợn vào... 'lò'. Điều này khiến Chi cục Thú y Hà Nội e ngại sẽ 'mọc' lên những lò mổ chui.
Xẻ thịt lợn tại lò mổ đạt chuẩn của Cty TNHH Minh Hiền. Ảnh: Phạm Anh
Xẻ thịt lợn tại lò mổ đạt chuẩn của Cty TNHH Minh Hiền. Ảnh: Phạm Anh.

Theo quy định của thành phố Hà Nội, khi đóng cửa lò Thịnh Liệt, 26 hộ giết mổ ở đây phải chuyển vào khu giết mổ tập trung Minh Hiền ở Thanh Oai. Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó giám đốc Cty Minh Hiền cho biết chỉ có 6/26 hộ tới ký hợp đồng, trong đó 3 hộ đã đánh lợn vào mổ. “Thời gian đăng ký theo quy định của thành phố đã hết (1-12). Nếu các hộ ở Thịnh Liệt không vào, chúng tôi sẽ cho các hộ giết mổ nhỏ lẻ bên ngoài vào thuê”- Bà Hiền nói.

Lò mổ mới có hơn cũ? Quan sát chúng tôi ghi nhận: hơn hai chục ô giết mổ lợn được xây dựng khang trang trong khuôn viên 1,2 ha, mỗi ô khoảng 85-100 m2 sẵn sàng đón các hộ ở Thịnh Liệt. Tại khu giết mổ A có 12 ô mổ, tất cả đều được trang bị hệ thống vòi để sục nước nóng nhúng lợn để cạo lông, khu chọc tiết, giá để róc thịt. Điểm sơ chế các phụ phẩm như lòng, tim, gan... được tách riêng. Toàn bộ hệ thống nước thải được đưa về bể chứa để xử lý, đảm bảo vệ sinh.

Mổ chui: tăng thêm dịch bệnh

Trước hiện tượng nhiều hộ kinh doanh giết mổ tại khu lò mổ Thịnh Liệt không chịu chuyển sang lò mổ mới đạt chuẩn (dù kế hoạch này đã được thành phố Hà Nội làm công tác tư tưởng cách đây cả năm trời - PV), ông Nguyễn Xuân Vui, Chi cục phó Thú y Hà Nội dự đoán: “Ngoài tăng công suất mổ ở các lò khác, rất có thể Hà Nội sẽ xuất hiện những lò mổ chui”.

Theo ông Vui, nhằm ngăn chặn khả năng này xảy ra, hiện chi cục đã giao cho các trạm thú y, nhất là trạm ở ngoại thành kiểm tra chặt”. Ông Vui phân tích: Khu giết mổ Thịnh Liệt đóng cửa, các lò khác trong nội đô chưa kịp di dời sẽ tranh thủ tăng gấp 2 - 3 lần công suất. Chỉ riêng chuyện đó cũng đủ để phát sinh những hệ luỵ về nước, rác thải. Chưa kể một điểm rất đáng lo ngại nữa với bên thú y đó là vấn đề kiểm dịch.

“Trong tình hình hiện nay, chúng tôi sợ nhất là cả lợn khỏe, lợn ốm đều mang ra mổ và đưa ra chợ vì kiểm soát không xuể” - Ông Vui than.

Phải làm gì để vừa đảm bảo nguồn cung thịt cho cả thành phố, cũng như triệt tiêu ngay những lò mổ chui? Chủ một cơ sở giết mổ nói: “Nếu cứ để lò mổ nhỏ lẻ mọc thêm chỗ này, chỗ kia thì chủ trương dẹp bỏ lò mổ nhỏ lẻ sẽ thất bại. Mặt khác, thành phố nên nói rõ thời gian, kế hoạch khi dẹp lò mổ ở các quận nội thành, bao giờ sẽ triển khai dẹp lò mổ ở các huyện ngoại thành, như Từ Liêm, Thanh Trì chẳng hạn” - chủ cơ sở giết mổ này nói.

Theo ông Vui, Hà Nội nên lập 3-4 chợ đầu mối, có thể giết mổ ở Thanh Oai, Thường Tín, Đông Anh, hay Gia Lâm, nhưng sau đó vận chuyển đến các chợ đầu mối bằng xe chuyên dụng. Từ đó, hộ bán lẻ đến đó mà lấy về bán tại chợ nhỏ lẻ. Hiện cả thành phố vẫn chưa có chợ đầu mối về thịt nào.

Theo Chi cục Thú y Hà Nội, người tiêu dùng Thủ đô hiện cần 450-500 tấn thực phẩm mỗi ngày, nhưng ngành chăn nuôi của Hà Nội chỉ đáp ứng được 70-75%.

Hiện toàn thành phố có 5 cơ sở giết mổ gia súc tập trung (công suất 50-1.700 con/ngày), khoảng 300 điểm giết mổ nhỏ lẻ, phân tán ở các huyện ngoài thành. Thành phố Hà Nội quán triệt là chấm dứt sự tồn tại những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, đưa hoạt động này vào các lò công nghiệp hiện đại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG