Từ vụ 8 người chết vì sự cố chạy thận nhân tạo:

Lỗ hổng về quản lý chất lượng và an toàn người bệnh

Lỗ hổng về quản lý chất lượng và an toàn người bệnh
TP - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) nhìn nhận, hệ thống quản lý chất lượng và an toàn người bệnh ở Việt Nam đang có vấn đề, mà cái chết của 8 bệnh nhân cùng 10 người may mắn thoát nạn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là minh chứng rõ nhất cho một lĩnh vực cực kì quan trọng nhưng lại đang chưa được quan tâm đúng mức.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: “Rất cần cơ quan chủ quản bình tĩnh rà soát lại văn bản, cách thức quản lý, vận hành các thiết bị vật tư tiêu hao ngành y tế. Cần phải chú trọng đào tạo về kiểm tra an toàn và chất lượng sản phẩm QA/QC, phải coi đây là tiêu chí để cấp phép cho các bệnh viện, phòng khám, các phương pháp điều trị mới được triển khai hoạt động”.

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, từ vụ việc này cần giám sát năng lực người thực hiện bảo dưỡng các thiết bị y tế. Theo đó, những người bảo dưỡng, bảo trì thiết bị y tế phải có chuyên môn nghiệp vụ. Tiếp đó, họ phải có tư cách pháp nhân, tức là người kỹ sư của bệnh viện hay đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng phải biết, phải có chứng chỉ hành nghề.

Quay lại sự cố nghiêm trọng tại Hòa Bình, trong ngày 29/5 xảy ra tai biến đối với 18 bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, phòng Vật tư của bệnh viện đã không tiến hành kiểm nghiệm nước theo quy định, trước khi vận hành lọc máu chu kỳ cho bệnh nhân. Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ lỗ hổng này, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu hơn 10 cơ sở y tế có chạy thận nhân tạo rà soát lại quy trình thực hiện, để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc tương tự. Ông Hiền cho hay: “Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội nghị đối với các bệnh viện thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo (cả cơ sở công lập và tư nhân); đồng thời yêu cầu Bệnh viện Thận Hà Nội cùng các chuyên gia rà soát, xây dựng quy trình thống nhất trong ngành để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân”.

Việc thiếu hụt quy trình vệ sinh khử khuẩn hệ thống nước RO của máy lọc thận nhân tạo có thể coi là lỗ hổng lớn trong quy trình chạy thận nhân tạo của Bộ Y tế. Điều này lý giải vì sao rất nhiều các bác sĩ làm công tác chạy thận nhân tạo đều xác nhận không được đào tạo, hướng dẫn các thao tác kiểm tra độ an toàn của hệ thống nước RO trước khi đưa vào sử dụng. Việc kiểm tra độ tinh khiết của nước RO sau khử khuẩn hoàn toàn phụ thuộc vào đơn vị bảo trì, bảo dưỡng. Ngay cả việc có biên bản bàn giao của đơn vị này đảm bảo chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước thì bác sĩ cũng không có cách gì kiểm chứng.

Ngày 29/6, Tổng hội Y học Việt Nam vừa có công văn gửi Công an tỉnh Hòa Bình, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình về sự cố y khoa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Trong công văn Tổng hội Y học Việt Nam nêu rõ, đề nghị Công an tỉnh Hòa Bình cho bác sĩ Hoàng Công Lương được tại ngoại trong quá trình điều tra và đề nghị cơ quan tố tụng xem xét đầy đủ các yếu tố khách quan nhằm tránh oan sai, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bác sĩ Hoàng Công Lương. 

MỚI - NÓNG