Tiếp tục có mưa to
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp ngay trên vùng biển ngoài khơi Trung bộ và nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, ngày 18/10 ở khu vực Trung bộ và Bắc Tây Nguyên tiếp tục có mưa to đến rất to. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có tổng lượng mưa từ 150 đến 300mm, cục bộ có nơi trên 350mm.
Ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai có tổng lượng mưa phổ biến 80-150mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, đến nay đã có 5 người chết, mất tích do mưa lũ cuốn trôi. Toàn bộ các hộ dân trong vùng ngập, chia cắt đã được sơ tán đến nơi an toàn.
Dự báo, từ nay đến ngày 19/10, trên các sông từ Nghệ An đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai xuất hiện một đợt lũ. Thượng lưu các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, sông Bồ (Thừa Thiên Huế) lên mức báo động (BĐ)2-BĐ3 và trên BĐ3.
Hạ lưu sông La (Hà Tĩnh), sông Hương (Thừa Thiên Huế), sông Vu Gia (Quảng Nam) lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2. Sông Thu Bồn (Quảng Nam), các sông ở Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai lên mức BĐ1 và trên BĐ1.
Nguy cơ cao mất an toàn hồ đập
Do mưa lớn kéo dài diễn ra liên tiếp trong nhiều ngày qua, với tổng lượng mưa mỗi đợt lên đến hàng trăm mm, đến nay khu vực Trung bộ và Tây Nguyên đã có 2.225/5.060 hồ đã đầy nước. Trong đó, tỷ lệ này tại Thanh Hóa là 385/610 hồ, Nghệ An là 1.029/1.061 hồ, Hà Tĩnh 292/323 hồ…
Đặc biệt, hiện đã có 109/221 hồ thủy điện phải xả qua tràn. Trong đó khu vực Bắc bộ có 40 hồ, Bắc Trung bộ có 13 hồ, Duyên Hải Nam Trung bộ có 12 hồ và khu vực Tây Nguyên có 39 hồ. Nhiều hồ có lưu lượng nước xả lớn như A Lưới 354/395 m3/s, Chi Khê 515/925 m3/s; Sông Bung 5: 625/850 m3/s; Sông Bung 6: 574/866 m3/s; Đăk rông 3A 1.419/1.529 m3/s…
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đồng Văn Tự, Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thuỷ lợi và An toàn hồ đập (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, hiện có 6.750 hồ chứa thủy lợi. Phần lớn các hồ chứa lớn có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên đã được sửa chữa đảm bảo an toàn. Còn các hồ bị xuống cấp, hư hỏng nặng tập trung vào nhóm hồ vừa và nhỏ. Các hồ này chủ yếu được xây dựng đã lâu, từ những năm 70-80 của thế kỷ trước.
Trước diễn biến mưa lũ cực đoan, bất thường như hiện nay, ông Tự cho rằng, có những nguy cơ tiềm ẩn đối với các đập, hồ chứa thủy lợi, đặc biệt là các hồ hư hỏng có thể xảy ra, như tràn qua mặt đập gây sạt trượt, thấm mạnh qua thân đập; thấm, xói ngầm mang cống; xói lở tràn xả lũ.
“Trong những ngày qua, lượng mưa lớn dồn dập tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên khiến số lượng hồ đầy nước tăng vọt, nguy cơ mất an toàn đối với các hồ chứa xuống cấp là rất cao. Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ để có phương án điều tiết phù hợp”, ông Tự cho hay.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, Ban chỉ đạo đang yêu cầu các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai công tác bảo vệ đê điều, hồ đập. Trường hợp cần thiết thì tiến hành xả lũ kịp thời. Các địa phương cần cử người ứng trực 24/24h và thường xuyên cập nhật thông tin đến chính quyền và người dân . Khi có tình huống xảy ra, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia và Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.