Lộ diện sai phạm các dự án BT ở Bình Định

TPO - Dù chưa được bàn giao mặt bằng nhưng nhà đầu tư đã tổ chức triển khai thi công một số công trình hạng mục khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp thi công, giấy phép xây dựng.
Theo thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành mới đây về trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Định trong việc thực hiện pháp luật thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng chống tham nhũng; thanh tra việc quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Định. Kết luận đã chỉ ra một số sai phạm trong 2 dự án BT tại tỉnh này.
Lộ diện sai phạm các dự án BT ở Bình Định ảnh 1 Khu vực giới thiệu về dự án Khu đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hòa. Ảnh: Tr.Định
Kiểm tra việc quản lý đầu tư xây dựng (từ ngày 1/1/2013-31/12/2017), TTCP xác định, tại dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài, dự án cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa (thực hiện theo hình thức BT) và dự án thanh toán (Khu đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hoà), UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức mời gọi đầu tư theo hình thức BT, kết quả chỉ có duy nhất nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc (gọi tắt Công ty Phúc Lộc) tham gia.
Năm 2014, tỉnh Bình Định giao cho Công ty Phúc Lộc là nhà đầu tư thực hiện 2 dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hoà theo hình thức BT, giao dự án khác để thanh toán cho nhà đầu tư được xác định là dự án khai thác quỹ đất của Khu đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hoà, cho nhà đầu tư triển khai cùng lúc.
Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hoà được triển khai nhưng UBND tỉnh Bình Định vẫn chưa làm thủ tục trình Thủ tướng phê duyệt dự án Khu đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hoà, để có quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.
Quá trình triển khai dự án, Sở TN&MT, UBND TP Quy Nhơn (Bình Định) chậm hoàn tất giải phóng mặt bằng và trình UBND tỉnh bàn giao đất cho nhà đầu tư để triển khai dự án.
Mặc dù chưa được bàn giao mặt bằng nhưng nhà đầu tư đã tổ chức triển khai thi công một số công trình, hạng mục dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hoà khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp thi công, giấy phép xây dựng được phê duyệt là vi phạm quy định quản lý xây dựng.
Theo TTCP, nhà đầu tư chậm lập các thủ tục điều chỉnh dự án, thiết kế, bản vẽ thi công - dự toán công trình để trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, thẩm định và phê duyệt. Chậm ứng kinh phí để chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án BT, Khu đô thị- Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hòa và kinh phí rà phá bom mìn vật nổ, chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích rừng phòng hộ (7,6ha), chậm xây dựng khu tái định cư cho người dân.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, Ban Quản lý dự án đã chậm đàm phán, điều chỉnh và hoàn thiện hợp đồng hai dự án BT, thiếu quyết liệt trong việc xử lý vi phạm đối với nhà đầu tư, để nhà đầu tư tổ chức khởi công, thi công công trình khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp thi công và giấy phép xây dựng.
Lý giải việc vì sao chậm giải phóng mặt bằng, để bàn giao triển khai dự án, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Văn Tùng – Giám đốc Sở TN&MT Bình Định, cho biết: “Để được giao đất thì phải thực hiện đầy đủ hồ sơ theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện triển khai các thủ tục hành chính, đến hiện tại bây giờ phía Công ty Phúc Lộc vẫn chưa thực hiện gì, nên UBND tỉnh chưa tiến hành giao đất”.
Ngoài ra, theo kết luận thanh tra, UBND tỉnh Bình Định quyết định phê duyệt dự án Xây dựng cấp bách kè chống sạt lở và cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát lũ chống ngập úng sông Hà Thanh và quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án với tổng mức đầu tư 3.006 tỷ đồng (gồm 90% ngân sách Trung ương và 10% địa phương) khi chưa đầy đủ căn cứ, cơ sở nên không triển khai thực hiện dự án như đã phê duyệt.
Theo TTCP, mặc dù tỉnh Bình Định đã dùng ngân sách địa phương tạm ứng theo hợp đồng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc 201 tỷ đồng, đến nay vẫn còn dư ứng 137,123 tỷ đồng, đã quá thời hạn hoàn thành khối lượng thanh toán 6 tháng nhưng chưa được thu hồi.
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.