Cụ thể, Tập đoàn Him Lam đã xin ngưng đầu tư cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vì tất cả dự án BT đang phải tạm dừng chờ Nghị định của Chính phủ. Do vậy, Hà Nội quyết định chuyển sang đầu tư công, với tổng nguồn vốn 2.561 tỉ đồng.
Theo đó, Hà Nội sẽ xây một cây cầu có kết cấu tương tự cầu Vĩnh Tuy hiện nay, cách mép cầu cũ 2m, dự kiến triển khai từ năm 2019 và hoàn thành vào năm 2022.
Trong giai đoạn 2 này, cầu Vĩnh Tuy sẽ được xây dựng rộng tương tự giai đoạn 1, mặt cắt ngang 19,25 m với 4 làn xe, trong đó có 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn tổng hợp và dải đi bộ.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ có tổng chiều dài là 3.504 m, không phải giải phóng mặt bằng, do việc này đã được thực hiện khi thi công giai đoạn 1. Theo dự kiến, quý 3/2020, Hà Nội sẽ lựa chọn nhà thầu, thi công trong hơn 1 năm và hoàn thành dự án vào tháng 12/2022.
Trước đó, từ năm 2017, Hà Nội đã có đề xuất Thủ tướng về việc đầu tư 2.560 tỉ đồng để tiếp tục triển khai dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), đồng thời xin cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư.
Thành phố đề xuất cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố sang hình thức PPP (hợp tác công - tư), hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư.
Hà Nội đề nghị cho phép được lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế đặc thù để đàm phán, ký kết hợp đồng dự án và chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả lựa chọn; cho phép nhà đầu tư được lựa chọn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, trình phê duyệt điều chỉnh đồng thời với phê duyệt phương án chuyển đổi hình thức đầu tư dự án.
Được biết, cơ quan lập dự án cũng đã đề xuất sử dụng quỹ đất đối ứng còn dư của dự án xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên theo hình thức BT bao gồm khai thác quỹ đất 34ha tại xã Dương Xá và 78,4ha tại xã Đông Dư (huyện Gia Lâm); quỹ đất tại các phường Long Biên và Cự Khối (quận Long Biên) với quy mô diện tích khoảng 320ha; quỹ đất bổ sung thêm khoảng 135ha ngoài bãi sông Hồng….
Được biết, cùng với cầu Vĩnh Tuy 2, Hà Nội đã lên kế hoạch triển khai một số dự án cầu qua sông Hồng và sông Đuống gồm: xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên; Dự án xây dựng Cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh; Dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng; Dự án xây dựng cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu và dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
Chỉ riêng 4 cầu mới được xây dựng theo hình thức BT có tổng kinh phí hơn 32.500 tỷ đồng (tương đương hơn 1,4 tỷ USD). Cụ thể, cầu Tứ Liên (quận Tây Hồ) và đường dẫn cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng vốn đầu tư 17.000 tỉ đồng; cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng (quận Long Biên và quận Hoàn Kiếm) với tổng mức đầu tư 7.000 tỉ đồng; cầu Giang Biên (huyện Gia Lâm) và đường dẫn hai cầu, tổng mức đầu tư trên 6.000 tỉ đồng; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (quận Long Biên) với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỉ đồng.
Lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Nội từng thông tin tới báo chí rằng các dự án này đều có các nhà đầu tư lớn đăng ký tham gia như Tập đoàn T&T, SunGroup, Him Lam, VinGroup… Nguyên nhân là do tổng mức đầu tư các dự án này quá lớn, ngân sách thành phố không làm được . Thành phố cũng sẽ giao hàng trăm ha đất cho các nhà đầu tư để đối ứng.
Tuy nhiên, với việc chưa có quy định cụ thể về việc triển khai các dự án BT trong giai đoạn hiện nay, các dự án vẫn chưa có thông tin cụ thể về thời gian triển khai và hoàn thành.