Theo PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, cuộc thi TECHSTART đời năm 2022, tạo ra một sân chơi để sinh viên học hỏi, sáng tạo và phát triển, kết nối đam mê khởi nghiệp công nghệ.
Cuộc thi TECHSTART 2023 đã tiếp cận tới hơn 150.000 người, thu hút hơn 70 dự án khởi nghiệp công nghệ đăng ký tham dự từ các nhóm sinh viên thuộc nhiều trường đại học trên toàn quốc.
Trải qua 3 vòng thi đầy thử thách, cuộc thi đã chính thức lựa chọn ra được 5 đội thi xuất sắc đến từ cả 3 miền Bắc – Trung – Nam góp mặt trong Đêm Chung kết, trong đó, có 3 đội đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội, 1 đội đến từ Đại học Vinh và 1 đội đến từ Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. TOP 5 đội vào vòng chung kết gồm: BIOHUST với sản phẩm ống hút cỏ sậy; COFFUEL với giải pháp đổi mới trong tái chế phụ phẩm công nghiệp; FAMIFINA với ứng dụng quản lý tài chính thông minh cho trẻ em dưới sự giám sát của cha mẹ; GREENBA với sản xuất nui gạo mầm chuối xanh; HERIL với công nghệ hỗ trợ nuôi ruồi lính đen.
Giải quyết bài toán kép
Trong đó, đội thi COFFUEL với giải pháp đổi mới trong tái chế phụ phẩm công nghiệp đã trở thành Quán quân của Cuộc thi năm nay. Bằng việc áp dụng công nghệ và khoa học, đội ngũ COFFUEL giới thiệu tới thị trường những viên nén sinh khối có thành phần bã cà phê để làm nhiên liệu đốt giải quyết vấn đề khủng hoảng, hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Giải pháp này được xây dựng bởi các bạn sinh viên đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Ngoại thương.
Đội thi COFFUEL thuyết minh sản phẩm |
COFFUEL là dự án của nhóm 4 bạn trẻ chơi thân với nhau. Từ một chuyến đi Tây Nguyên, Đăk Lăk, nhóm đã được trực tiếp quan sát quá trình người nông dân trồng cà phê. Và càng đi sâu tìm hiểu, nhóm nhận thấy rằng chỉ có quá ít giá trị được giữ lại từ sản phẩm trái cà phê, phần còn lại là những phụ phẩm công nghiệp.
Sau chuyến đi, nhóm đã bắt đầu tìm những giải pháp để gia tăng những giá trị cho những phụ phẩm công nghiệp. Bắt đầu từ tháng 2/2022, nhóm bắt đầu nghiên cứu những tiềm năng có trong những phụ phẩm công nghiệp. Và tìm hiểu được rằng, trong phụ phẩm bã cà phê chứa rất nhiều giá trị tiềm năng.
Cùng với đó, nhận thấy sự chuyển dịch trong xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo, nhóm đã quyết định lên ý tưởng khai thác nguồn năng lượng từ bã cà phê, và từ đó ý tưởng về sản phẩm “viên nén sinh khối từ bã cà phê ra đời”. Sản phẩm tận dụng những phụ phẩm công nghiệp như bã cà phê, mùn cưa để tạo nên những viên nén đốt cho lò hơi công nghiệp, tạo nguyên liệu sạch, giá cả phải chăng và bền vững với môi trường.
Chia sẻ sau cuộc thi, Nguyễn Xuân Bảo, đại diện của COFFUEL cho hay thành công của dự án khi tham gia cuộc thi là việc có thể lan tỏa được hình ảnh về sự phát triển bền vững, về một giải pháp cho tương lai xanh, cho cộng đồng đến với giới trẻ, sinh viên.
Sản phẩm COFFUEL là giải pháp cho 2 vấn đề lớn mà xã hội đang gặp phải: môi trường và khủng hoảng năng lượng.
"Chúng tôi thu mua bã cà phê công nghiệp, tái chế thành những viên nén và phân phối ra thị trường. Chúng tôi hướng đến 2 phân khúc chính: B2B, B2C. Với tệp khách hàng B2B hướng đến là những doanh nghiệp sản xuất sử dụng lò hơi công nghiệp, còn B2C hướng đến tệp khách hàng trẻ, sử dụng cho những chuyến đi camping, nấu nướng. Sản phẩm của chúng tôi là giải pháp thay thế cho nguồn nhiên liệu truyền thống là than đá, gỗ củi, khí ga và là sản phẩm cải tiến của viên nén gỗ truyền thống", Xuân Bảo cho hay.
Đồng thời thông tin Viên nén COFFUEL mang hiệu năng bằng 120% so với viên nén gỗ và tro đốt giảm đến 90% so với than đá truyền thống.
Á quân thuộc về đội thi FAMINA với ứng dụng quản lý tài chính thông minh cho trẻ em dưới sự giám sát của cha mẹ. FAMINA mong muốn mang tới giá trị tích cực giúp cho trẻ em hình thành tư duy đúng đắn về tài chính từ sớm, rèn luyện tư duy độc lập, phát triển kỹ năng tài chính.