Sai từ điều hành đến xã hội hoá
Kết luận của Thanh tra TPHCM vừa công bố ngày hôm qua, cho thấy trong hai năm 2015-2016, nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý và chuyên môn, hành chính tại Bệnh viện Mắt chưa được kiện toàn do bệnh viện chậm triển khai thực hiện theo Đề án vị trí việc làm dù đã được Giám đốc Sở Y tế TPHCM phê duyệt. Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM thời kỳ từ năm 2012 đến tháng 1/2017 sử dụng mộc chữ ký trong công tác điều hành, quản lý hành chính là không đúng theo quy định.
Mặc dù Khoa Khám và điều trị theo yêu cầu Kỹ thuật cao vẫn tiếp tục hoạt động và thu, chi tài chính, thế nhưng, các hoạt động thu chi này không có trong báo cáo tài chính của Bệnh viện Mắt. Lãnh đạo Bệnh viện Mắt cũng không báo cáo việc này với Sở Y tế theo quy định.
Bên cạnh sai phạm trên, cơ quan chức năng còn chỉ ra nơi đây cho đặt máy và sử dụng các trang thiết bị y tế hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác liên kết và thuê sử dụng của đơn vị ngoài 13 trang thiết bị y tế. Việc hợp tác, thuê sử dụng này đều không xin ý kiến của Sở Y tế. “BV Mắt triển khai thực hiện thuê 4 trang thiết bị y tế trong thời gian 12 tháng là không đúng theo phê duyệt của Sở Y tế. Trách nhiệm này thuộc về Giám đốc, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Trưởng phòng vật tư- thiết bị y tế BV Mắt từng thời kỳ có liên quan”- kết luận chỉ ra.
Đáng nói trong năm 2016, Bệnh viện Mắt TPHCM chi trả chi phí thuê 3 hệ thống máy phẫu thuật Phaco Centurion Vision System, 1 hệ thống máy phẫu thuật dịch kính võng mạc Constellation Vision System và 4 hệ thống kính hiển vi phẫu thuật mắt Opmi Lumera i theo số liệu tổng hợp về số ca phẫu thuật trong khi không xác định được cụ thể từng ca phẫu thuật là quản lý tài chính thiếu chặt chẽ. Ngoài ra, bệnh viện này còn sử dụng 2 hệ thống kính hiển vi phẫu thuật mắt không đúng quy định làm thất thoát số tiền gần 200 triệu đồng.
Loạn mổ và đấu thầu
Trong công tác phẫu thuật cho bệnh nhân, giám đốc bệnh viện, Ban giám đốc và Đảng ủy bệnh viện không có chủ trương trong việc phẫu thuật thay nhưng để tình trạng các bác sĩ không trực tiếp phẫu thuật đứng tên trong hồ sơ bệnh án thực hiện công khai mà không có biện pháp quản lý. Điều này dẫn đến tình trạng trong hai năm 2015-2016 có 19 bác sĩ không trực tiếp phẫu thuật nhưng đứng tên trong 3.225 hồ sơ bệnh án là bác sĩ trực tiếp phẫu thuật. Trách nhiệm này thuộc về giám đốc, các phó giám đốc, các cá nhân của Bệnh viện Mắt. “Đây là một sai sót nghiêm trọng, cần kiểm điểm và xử lý một cách nghiêm túc”- kết luận nêu rõ.
Trong khi đó, công tác đấu thầu, mua sắm thuốc trong thời gian chờ kết quả đấu thầu tập trung, Bệnh viện Mắt lại không lựa chọn được nhà thầu tự ý mua tổng giá trị hơn 2,5 tỷ đồng. Đáng nói, hồ sơ, thủ tục khi mua sắm không đảm bảo về tham khảo 3 báo giá của các nhà cung cấp theo quy định. Mặt khác, các lô thuốc Acuvail và Suxamethonium còn hạn sử dụng khi tiếp nhận nhưng không đảm bảo về hạn sử dụng theo hợp đồng ký kết giữa giám đốc bệnh viện và đơn vị cung cấp nhưng khoa Dược vẫn thực hiện nhập kho mà không thông báo xin ý kiến của Ban Giám đốc và Hội đồng thuốc và điều trị.
Đặc biệt, ngày 24/1/2017 tại Khoa Dược của bệnh viện này đã xảy ra sự cố trong bảo quản thuốc làm ảnh hưởng đến chất lượng thuốc của lô thuốc có giá trị gần 1 tỷ đồng. Người để xảy ra sự việc này là bà Phạm Bích N. thủ kho của Khoa Dược. Từ những sai phạm nghiêm trọng trên, Thanh tra TPHCM yêu cầu Sở Y tế TP kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân giám đốc bệnh viện và tập thể bệnh viện này.
Bỏ ngoài sổ sách hơn 1.000 tỷ đồng
Không chỉ bỏ hơn 1 nghìn tỷ đồng ngoài hệ thống sổ sách kế toán và báo cáo tài chính hằng năm, Thanh tra TPHCM còn chỉ ra từ năm 2013 đến năm 2016, Bệnh viện Mắt TPHCM thu vượt so với quy định cơ cấu giá phẫu thuật Lasik với tổng số tiền hơn 8,1 tỷ đồng. Đặc biệt là nguồn thu hơn 1.000 tỷ đồng trong hơn 3 năm gần đây của riêng khoa Khám và Điều trị theo yêu cầu và các khoản chi chưa được kiểm tra, kiểm toán, không được bệnh viện đưa vào hệ thống sổ sách kế toán và báo cáo tài chính hằng năm của bệnh viện…