Ngày mai (29/3), HĐND TP. Hà Nội khóa XVI sẽ tổ chức kỳ họp thứ 15 để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng theo thẩm quyền.
Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 1 ngày. Theo chương trình HĐND thành phố sẽ xem xét các nội dung: Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm học 2023-2024 thay thế Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023 của HĐND thành phố; Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố; phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Cùng với đó, HĐND thành phố cũng xem xét điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2024; danh mục các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội; xem xét ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội.
Theo Đồ án, huyện Đông Anh sẽ là một phần của thành phố phía Bắc sông Hồng. |
Đặc biệt, HĐND thành phố sẽ xem xét, thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Trong đồ án, thành phố đã đề xuất các chương trình, dự án đột phá, trọng tâm mà Thủ đô hướng đến. Ví như, phát triển liên kết vùng; xây dựng Hà Nội là trung tâm động lực vùng và quốc gia; phát triển đô thị theo mô hình TOD; xây dựng trục sông Hồng trở thành điểm nhấn quan trọng của vùng và Thủ đô, phát triển Cảng hàng không thứ 2- Vùng Thủ đô tại phía nam.
Đặc biệt, đồ án cũng đề xuất áp dụng mô hình “Thành phố trong Thủ đô”. Trong đó, Hà Nội đã định hướng phát triển các thành phố phía Bắc, thành phố phía Tây, đô thị phía Nam sau khi Cảng hàng không thứ 2 - Vùng Thủ đô được xây dựng.
Theo đó, thành phố Bắc sông Hồng gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn với diện tích khoảng 633 km2 (trong đó, diện tích phát triển đô thị 332,3 km2). Dân số đến năm 2045 dự kiến đạt khoảng 2,7-2,9 triệu người.
Thành phố phía Bắc sông Hồng được định hướng xây dựng là thành phố dịch vụ, hội nhập quốc tế, kết nối toàn cầu. Đồng thời, là trung tâm đối thoại, hợp tác quốc tế, trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ phát triển du lịch, xây dựng các trung tâm thương mại giải trí, kinh doanh…
Thành phố phía Tây: Bao gồm khu đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai, nghiên cứu phát triển mở rộng ra đến sông Tích, sông Bùi với diện tích 129km2, dân số 1,2 triệu người (năm 2045). Theo định hướng, thành phố sẽ phát triển thành trung tâm về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, xây dựng đô thị sinh thái, hiện đại, với các dịch vụ công cộng hiện đại, thu hút chuyên gia chất lượng cao, được hỗ trợ bởi các cơ chế chính sách đặc thù.
Trong đó, đô thị Hòa Lạc là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao. Là thành phố của những trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, trung tâm thí nghiệm, nhấn mạnh công nghệ số, trí tuệ nhân tạo. Đô thị Xuân Mai là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục.
Khu vực đô thị phía Nam bao gồm địa giới hành chính các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Khu vực đô thị này sẽ hình thành vùng đô thị sân bay khi xây dựng sân bay thứ hai trên địa bàn Thủ đô.
Theo định hướng, khu vực đô thị phía Nam sẽ trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh hiện đại. Đồng thời, là trung tâm đầu mối logistics lớn của vùng Thủ đô kết nối khu vực phía Nam; là trung tâm công nghiệp hỗ trợ vận tải, phân phối và công nghiệp đường sắt...
Ngoài ra, đồ án cũng đề cập đến phát triển mô hình thị trấn sinh thái. Các thị trấn sinh thái sẽ đem lại những lợi ích cho người dân sống trong các khu làng hiện hữu. Đồng thời, sẽ giải quyết những khiếu nại và mâu thuẫn thông qua bảo tồn làng hiện hữu, chuyển sang các mô hình kinh doanh giá trị cao hơn thông qua nông nghiệp công nghệ cao.