Trong một bài đăng trên Twitter hôm 28/6, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda cho biết: "Litva đã mua hai bệ phóng NASAMS, chúng sẽ được chuyển giao cho Ukraine. Phòng không là chìa khóa quan trọng giúp nước này thực hiện các cuộc phản công".
Người đứng đầu Litva cũng nhấn mạnh rằng, tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ở Vilnius vào tháng 7 tới đây, các nước thành viên sẽ đưa ra nhiều quyết định tập thể hơn để hỗ trợ Ukraine.
Binh sĩ Litva nạp đạn cho hệ thống phòng không NASAMS. |
Trước đó, ngày 27/6, Đài truyền hình LRT dẫn lời Tổng thống Gitanas Nauseda cho biết: "Tổng thống Ukraine đã nhiều lần nêu vấn đề về khả năng chuyển giao các hệ thống NASAMS cho Ukraine. Và hôm nay, Litva đã ký kết một thỏa thuận với công ty của Na Uy về việc mua và cung cấp cho Ukraine hai hệ thống phóng NASAMS. Vũ khí sẽ được giao tới Ukraine trong thời gian sớm nhất".
NASAMS (viết tắt của cụm từ Norwegian Advanced Surface to Air Missile System) là hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến do tập đoàn Kongsberg Defence & Aerospace của Na Uy và Raytheon Mỹ phát triển. Hệ thống được triển khai để tấn công nhiều mục tiêu trên không bao gồm máy bay, tên lửa hành trình và máy bay không người lái.
Hệ thống NASAMS gồm 3 bộ phận: Radar AN/MPQ-64 Sentinel; tên lửa đất - đối - không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) và trung tâm phân phối hỏa lực (FDC).
"Mắt thần" của NASAMS là AN/MPQ-64 - một radar 3D hoạt động ở băng tần X quay với tốc độ 30 vòng/phút để phủ sóng 360 độ, có thể theo dõi đồng thời 60 mục tiêu và có thể phát hiện mục tiêu cách xa đến 120 km.
Bên cạnh radar AN/MPQ-64, NASAMS còn có thêm cảm biến điện tử quang học EO gắn trên xe nhằm cung cấp dữ liệu tín hiệu thụ động cho trung tâm phân phối hỏa lực thực hiện các giao tranh thụ động.
Phiên bản nâng cấp NASAMS 2 được trang bị cụm cảm biến quang điện tử và 12 bệ phóng tên lửa để xác định và tiêu diệt mục tiêu nhanh hơn.
NASAMS trở thành hệ thống trên mặt đất đầu tiên sử dụng tên lửa AIM-120 AMRAAM (tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến). Ngoài ra, hệ thống cũng có thể sử dụng tên lửa AIM-9X và RIM-162. Phạm vi hoạt động từ 25-30 km.