Làm rể nơi đóng quân
Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Nguyễn Văn Phương, trắc thủ Trạm ra đa năm nay mới 44 tuổi, nhưng đã có con gái lớn 23 tuổi. Năm 1990, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Phương được điều động ra Trạm làm nhiệm vụ. Trạm ở nơi cao nhất của huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), sau phiên trực, Phương thường lấy ống nhòm ngắm cảnh, ngắm người dưới chân núi. Thấy một cô cao ráo trắng trẻo hay đi rẫy, anh tìm cách làm quen, biết được “mục tiêu” tên là Nguyễn Thị Chí, ở xã Long Hải. Năm sau họ thành vợ chồng, khi chàng trai Nam Trực, Nam Định vừa tròn 20 tuổi. “Nghe nói lính ra đa dễ chột đường con cái, thế là mình phải làm sớm, mà có thấy chột gì đâu, nhỉ”. Thượng úy Phương ôm vai vợ, cười vang trong buổi tiệc đón xuân Ất Mùi của Trạm. Đã có hai con, một gái một trai, họ còn là cặp song ca hay nhất của Trạm.
Trong khi thượng úy Phương phải “dò tìm mục tiêu”, đại úy QNCN Lương Thế Tùng lại “bắt được mục tiêu” ngay tại Trạm. Năm 2000, sau nhiều năm chịu cảnh “vợ chồng ngâu”, chị Nguyễn Thị Minh đưa con từ Thạch Hà (Hà Tĩnh) vào Phú Quý sống cùng chồng, Trạm trưởng Hồ Văn Phan. Cùng đi có em gái chị Minh là chị Thanh Tú. Ít ngày ở thăm Trạm, Thanh Tú bén duyên Thế Tùng. Nay vợ chồng họ cùng hai cô con gái xinh xắn là Tú Mai, Tú Linh vẫn ở căn nhà nhỏ cạnh Trạm, chị Tú buôn bán ở chợ xã Tam Thanh.
Hiện nay, vợ chồng anh Hồ Dương và bé Hồ Song Tất Minh đã chuyển về sinh sống tại đảo Bình Ba
Chuyện tình của trung tá Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Trung đoàn trưởng cũng khá đặc biệt. Năm 1997, trung úy Ngọc công tác tại Trạm ra đa đảo Hòn Tranh, cách đảo Phú Quý khoảng 1 hải lý. Dịp đó, Trạm ra đa Hòn Tranh được một số chuyên gia Pháp hướng dẫn sử dụng khí tài, nên dân Phú Quý hay sang Hòn Tranh, vừa vui chơi vừa để xem mấy ông Tây. Một lần, chị Nguyễn Thị Hiền cùng bạn trai và nhóm bạn sang Hòn Tranh chơi, tình cờ gặp trung úy Ngọc. Chỉ là tình cờ, chưa vương vấn gì. Nhưng ít lâu sau, anh Ngọc gặp lại chị Hiền khi anh bị bệnh, phải điều trị tại Bệnh viện quân dân y Phú Quý. Những sự tình cờ đó đã đưa họ đến với nhau.
Rất nhiều sĩ quan, QNCN của các Trạm ra đa đã thành rể của địa phương Trạm đóng quân, như trung tá Tạ Quang Hải, Chính trị viên ở một đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa), đại úy QNCN Nguyễn Khả Hồng, cán bộ hậu cần. Thượng tá Đỗ Duy Kiên, Trung đoàn trưởng cũng lấy vợ là giáo viên ở đảo. Một chiến sĩ anh Hồ Dương, quê ở Thanh Hóa cũng ở lại làm rể đảo. Năm 2008, anh Dương và vợ là chị Trương Thị Liền ra sinh sống tại xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đứa con thứ 3 của anh chị, bé Hồ Song Tất Minh sinh ngày 16/5/2009, là em bé đầu tiên chào đời trên đảo Song Tử Tây, cũng là em bé đầu tiên chào đời trên huyện đảo Trường Sa.
Vợ chồng ngâu
Ngay cả khi có gia đình ở đảo, những người lính Trung đoàn Ra đa vẫn thường phải chịu cảnh vợ chồng ngâu. Trung tá Tạ Quang Hải đã có 3 “tăng” công tác tại các đảo Trường Sa, Đá Lát, Sinh Tồn Đông ở quần đảo Trường Sa. Năm 1992, vợ vừa sinh đứa con đầu, thượng úy Phương được điều đi làm nhiệm vụ tại đảo Đá Lát, đến năm 1994 mới về lại. “Những năm ở Trường Sa đó, nếu không có bà xã đảm đang một mình nuôi nấng hai đứa con, làm sao tôi yên tâm hoàn thành nhiệm vụ được”. Thượng úy Phương nói.
Khi công tác tại Trạm ra đa ở núi Chóp Chài (TP Tuy Hòa, Phú Yên), thiếu tá Nguyễn Anh Quân cưới vợ ở Tuy Hòa. Từ năm 2010, anh được điều động vào làm Trạm trưởng trên đỉnh H.T (TP Nha Trang, Khánh Hòa), lâu lâu mới được về thăm vợ con một lần. Trung tá Ngọc cũng nhiều năm phải xa vợ con ở Phú Quý, để làm nhiệm vụ ở Tuy Hòa, ở Cam Ranh. Nhiều sĩ quan, QNCN khác còn có gia đình, vợ con ở xa hơn, mãi ngoài Bắc hay trên Tây Nguyên.
“Lại chỉ gọi điện cho vợ, bảo vợ tưởng tượng đang ôm chồng, đang ôm hoa chồng tặng thôi, anh ơi”. Trung tá Ngọc cười đáp, chiều ngày 7/3, khi được hỏi về quà tặng vợ ngày 8/3.