Bất chấp việc Liên Hợp Quốc lên án hành động tiếp quản chính quyền bằng vũ lực và khối kinh tế khu vực Tây Phi đe doạ trả đũa, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm Guinea - Mamady Doumbouya tuyên bố nhóm của ông này đã lật đổ Tổng thống Alpha Conde vì “tình trạng nghèo đói và tham nhũng tràn lan”.
“Chúng tôi đã giải thể chính phủ và các tổ chức khác”, Doumbouya - một cựu lính lê dương Pháp - nói trên truyền hình nhà nước. Ông khoác lên mình lá quốc kỳ của Guinea và được vây quanh bởi 8 binh sĩ vũ trang. “Chúng ta sẽ cùng nhau viết lại hiến pháp”, Doumbouya khẳng định.
Trước đó, tiếng súng đã nổ ra gần Dinh Tổng thống ở thủ đô Conakry. Vài giờ sau, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video cho thấy ông Conde bị nhiều binh sĩ khống chế. Xe quân sự cũng xuất hiện trên đường phố Conakry, và cây cầu duy nhất nối đất liền với khu vực Kaloum - nơi đặt Dinh Tổng thống và nhiều toà nhà chính phủ - đã bị phong toả.
Ông Alpha Conde bị lính đặc nhiệm khống chế. Nguồn: Reuters |
Các nguồn tin quân sự cho biết tổng thống đã được đưa đến một địa điểm không xác định, và lực lượng do Doumbouya chỉ huy được cho là đã thực hiện một số vụ bắt giữ khác nhằm vào các quan chức chính phủ cấp cao.
Lãnh đạo phe đối lập chính của Guinea, Cellou Dalein Diallo, phủ nhận tin đồn rằng ông nằm trong số những người bị giam giữ.
Ông Alpha Conde đã giành được nhiệm kì tổng thống thứ 3 sau khi thay đổi hiến pháp cho phép ông tái tranh cử. Hành động này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phe đối lập.
Trong những tuần gần đây, chính phủ Guinea đã tăng mạnh thuế để bổ sung kho bạc nhà nước và tăng giá nhiên liệu lên 20%, khiến nhiều người phẫn nộ.
Xe quân sự xuất hiện trên đường phố thủ đô. Ảnh: Reuters |
Ảnh: Reuters |
Hiện chưa rõ Doumbouya đã nắm toàn quyền kiểm soát hay chưa, nhưng Bộ Quốc phòng Guinea lại cho biết “cuộc tấn công nhằm vào Dinh Tổng thống đã bị đẩy lùi”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết ông cực lực lên án "bất kỳ sự tiếp quản chính phủ nào bằng vũ lực" và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Conde.
Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt sau khi Chủ tịch ECOWAS - Tổng thống Ghana Nana Akuffo-Addo gọi đây là một cuộc đảo chính có chủ đích.
Liên minh châu Phi cho biết sẽ họp khẩn cấp và thực hiện "các biện pháp thích hợp”, trong khi Bộ Ngoại giao Nigeria, một cường quốc trong khu vực, kêu gọi khôi phục trật tự.