Liên tục xảy ra tai nạn cho học sinh, Đồng Nai siết quản lý xe đưa đón

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mặc dù đã có quy định, có kiểm tra đối với xe đưa đón học sinh, tuy nhiên tình trạng xe thiếu an toàn, thực hiện không đúng quy định vẫn xảy ra dẫn đến nhiều vụ tai nạn đau lòng. 

Vụ xe đưa rước học sinh gây tai nạn khiến một học sinh lớp 3 Trường tiểu học Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai) tử vong vào ngày 8/2 vừa qua làm dấy lên những lo ngại về việc quản lý các xe ô tô đưa rước học sinh tại Đồng Nai hiện nay.

Liên tục xảy ra tai nạn cho học sinh, Đồng Nai siết quản lý xe đưa đón ảnh 1

Một xe đưa đón học sinh tại TP Biên Hòa

Trước đó, tại tỉnh Đồng Nai đã xảy ra trường hợp 3 học sinh lớp 1 Trường tiểu học Phan Bội Châu (phường Long Bình, TP Biên Hòa) bị văng xuống đường từ xe đưa rước vào ngày 26/11/2019. Nguyên nhân do chốt cửa sau xe đưa rước bị hỏng nên chủ xe đã làm một chốt khóa tự chế để thay thế, không đảm bảo an toàn. Sau đó đến ngày 29/11/2019 lại tiếp tục xảy ra vụ việc 2 học sinh ngã từ cửa sau xe đưa đón học sinh ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom....

Liên tục xảy ra tai nạn cho học sinh, Đồng Nai siết quản lý xe đưa đón ảnh 2

Xe đưa đón học sinh tahi trường TH Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài, TP biên Hòa) dừng đỗ trên vỉa hè

Theo thống kê của Sở GT-VT và Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, năm học 2022-2023, tỉnh Đồng Nai có 907 xe ô tô tham gia đưa đón học sinh. Riêng TP Biên Hòa hiện có 100 ngàn học sinh tiểu học, trong đó có 46 ngàn em được phụ huynh gửi nhà giáo viên buổi trưa (số học sinh có nhu cầu đi xe đưa đón là 36 ngàn), hiện có 2 ngàn giáo viên ký hợp đồng với các nhà xe.

Nhu cầu đi lại bằng xe đưa đón học sinh rất cao nhưng phần lớn các xe hiện nay gần như không có phụ xe đi cùng, chỉ một số ít trường bố trí giáo viên, quản sinh đi kèm theo xe. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là khi học sinh hiếu động có thể mở cửa sổ xe thò đầu, tay ra ngoài hoặc chạy giỡn bên trong xe. Bên cạnh đó, tại một số trường học trên quốc lộ, đường tỉnh lại không có không gian an toàn cho học sinh qua đường, một số trường tại đô thị lại không bố trí được khu vực cho xe dừng, đậu trước cổng trường. Việc này không chỉ gây mất an toàn mà còn gây ùn tắc giao thông. Các vụ tai nạn liên quan đến xe đưa rước học sinh xảy ra cho thấy, phần lớn nguyên nhân đều do lỗi chủ quan, thiếu trách nhiệm của những người liên quan.

Để ngăn chặn các sự việc liên quan đến việc xe đưa rước học sinh như thời gian qua, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai Đỗ Huy Khánh vừa có văn bản yêu cầu lãnh đạo Phòng GD-ĐT các địa phương phải chỉ đạo các trường cần chú ý quản lý xe đưa rước học sinh. Đặc biệt, phải ràng buộc điều khoản có phụ xe trong hợp đồng, hoặc cử giáo viên đi kèm xe, nhất là ở các địa phương như: TP Biên Hòa, huyện Trảng Bom - nơi học sinh có nhu cầu đi lại bằng xe đưa rước lớn.

Ngoài ra, Sở GT-VT và Sở GD-ĐT cũng đã ban hành nhiều kế hoạch, đôn đốc các trường, các ngành chức năng địa phương rà soát, kiểm tra các hợp đồng, xử lý xe/nhà xe đưa đón học sinh vi phạm. Bên cạnh đó, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện (Sở GT-VT) cũng cho hay, ngay đầu năm học đã cung cấp danh sách các HTX, doanh nghiệp vận tải, nhà xe cho nhà trường. Đồng thời, tiếp nhận hợp đồng, biển số xe để rà soát điều kiện hoạt động, phản hồi thông tin cho các trường, đề nghị các trường kiểm tra chấm dứt hợp đồng với các nhà xe vi phạm, các xe hết niên hạn sử dụng.

Ông Lê Quang Bình- Giám đốc Sở GT-VT, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai yêu cầu cơ quan, đơn vị thuộc Sở GT-VT tiếp tục tham mưu siết chặt quản lý vận tải, chỉ đạo các đơn vị vận tải tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình đưa rước học sinh. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, theo dõi thiết bị giám sát hành trình để phát hiện chấn chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp xe buýt, xe đưa rước học sinh vi phạm.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.