Theo thống kê, trong 4 tháng đầu 2023, Thanh Hóa đã xảy ra 7 vụ đuối nước khiến 8 trẻ em tử vong. Trong đó, tháng 4 có ít nhất 4 học sinh tử vong. Nguyên nhân các vụ tai nạn được xác định là các em trong độ tuổi học sinh thường rủ nhau ra bãi biển, khu vực sông, kênh, suối chơi và xuống nước tắm.
Do không lường trước được những nguy hiểm từ sóng lớn, nước chảy xiết, rơi vào vùng nước sâu, lại không biết bơi, không được trang bị các kỹ năng phòng, chống đuối nước nên đã dẫn đến hậu quả, mất mát lớn về con người.
Ông Nguyễn Huy Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết điều lo ngại nhất là việc các em học sinh tự rủ nhau ra biển tắm ngoài giờ học, không có sự quan tâm quản lý của gia đình, lại thiếu các kỹ năng phòng, chống đuối nước nên đã dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Nhiều hoạt động để tăng cường phòng, chống đuối nước được chính quyền địa phương và các đơn vị triển khai. |
Không chỉ ở các địa phương ven biển, ở khu vực miền núi, nguy cơ xảy ra đuối nước cũng rất cao, nhất là tại các địa bàn có sông, suối, hồ, đập... Ngay cả với những em đã có kỹ năng bơi nhưng khi rơi vào khu vực nước sâu, nước chảy xiết, có nguy cơ tử vong do đuối nước.
Theo ngành chức năng Thanh Hóa, bất cập trong công tác phòng, chống đuối nước hiện nay đó là việc thiếu các lực lượng làm công tác cứu nạn, cứu hộ tại các địa phương, nhất là cấp xã, phường, thị trấn.
Không chỉ thiếu nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng làm công tác cứu nạn, cứu hộ, mà còn thiếu thốn phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ.
Trong khi đó, nhiều địa phương vẫn còn chưa quan tâm tới việc khảo sát, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, nguy cơ xảy ra đuối nước tại khu vực sông, suối, hồ, đập, bãi biển. Nhiều gia đình có ao, hồ cũng chưa quan tâm đến việc bảo đảm an toàn phòng, chống đuối nước cho con em mình và các hộ gia đình lân cận khác...
Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động giáo dục tuyên truyền, phòng chống đuối nước, đặc biệt là các địa bàn có nguy cơ cao.
Các trường có sự phối hợp với doanh nghiệp có bể bơi triển khai lắp đặt bể bơi thông minh ngay tại trường học để tổ chức lớp dạy bơi cho học sinh, trẻ em trên địa bàn.
Bên cạnh các kỹ năng bơi cơ bản, các lớp đều tổ chức cho các em được thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu. Cụ thể, tại huyện Cẩm Thuỷ, lớp dạy bơi được tổ chức từ đầu tháng 5 trong đó có lồng ghép kỹ năng phòng, chống đuối nước...
Lớp dạy bơi được các đơn vị liên tục triển khai. |
Đáng chú ý, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước, tháng 4, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, GD&ĐT phối hợp các đơn vị tổ chức hoạt động dạy bơi an toàn, trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh, ưu tiên địa phương có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao và có nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em, giáo dục cho học sinh kỹ năng nhận biết biển cảnh báo, nguy cơ và biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước.
Các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện việc lắp đặt biển cảnh báo ở những khu vực có nguy cơ gây đuối nước, làm rào chắn đối với ao, hồ tại cộng đồng dân cư, công trình công cộng, huy động, vận động cơ quan, tổ chức xã hội và gia đình tăng cường tổ chức dạy bơi cho trẻ và trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước để bảo vệ an toàn cho trẻ em.