Liên tiếp ngộ độc sau khi ăn cá chép ủ chua: Cảnh báo nóng của ngành y tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chỉ trong vòng 10 ngày, huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam) đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 10 người có diễn biến nặng phải nhập viện điều trị thở máy liên quan đến việc cá chép ủ chua, trong đó đã có 1 trường hợp tử vong. Ngành y tế địa phương đang khẩn trương các biện pháp điều trị bệnh nhân và ngăn ngừa trường hợp tương tự.

Ngày 18/3, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, thêm một vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn món cá chua trên xảy ra tại huyện Phước Sơn. Theo đó, trưa ngày 16/3, năm người ăn trưa tại rẫy keo của gia đình anh H.V.Đ (29 tuổi, ở thôn 2, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn).

Các món ăn gồm cá chép làm chua, chim nướng, cơm. Đến 19 giờ cùng ngày, người đầu tiên trong năm người tham gia bữa cơm có triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn, bụng chướng, choáng, chóng mặt. Sau đó, ba người khác cũng mắc triệu chứng tương tự. Trong năm người cùng ăn trưa, một người không ăn món cá làm chua thì không bị ngộ độc.

Các bệnh nhân sau đó được đưa đến Trung tâm y tế huyện sau đó được chuyển lên tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc (huyện Đại Lộc). Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc Botulism. Nhiều bệnh nhân đang có chuyển biến nặng phải thở máy.

Sau khi xảy ra các vụ ngộ độc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các đơn vị điều tra nguyên nhân và khảo sát các yếu tố liên quan để tìm nguồn lây, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang và Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia.

Trước đó, ngày 7/3, trên địa bàn thôn 2, xã Phước Đức huyện Phước Sơn cũng đã xảy ra một vụ ngộ độc khiến một người chết và ba người nguy kịch. Theo ngành chức năng, cả hai vụ ngộ độc thực phẩm này, những người bị ngộ độc là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng. Món ăn nghi ngờ là món cá làm chua. Đây là món ăn truyền thống của người dân, do gia đình tự chế biến từ: cá chép, muối, cơm hoặc bột bắp, ớt… sau đó ủ trong hũ kín khoảng một tuần.

Cùng với việc truy tìm nguyên nhân, ngành y tế Quảng Nam cũng phát đi khuyến cáo người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua; Không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng; cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương…

MỚI - NÓNG