Ông Lê Văn Dũng "tỉ phú cá chép giòn" |
Ông Lê Văn Dũng (60 tuổi) ở xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp kể: gia đình ông có truyền thống nuôi cá tra ở xã Phú Thuận, huyện Hồng Ngự. Tuy nhiên sau thất bại với nhiều vụ cá tra, ông Dũng mày mò tìm kiếm giống cá mới để nuôi với quyết tâm làm giàu từ con cá.
Trong một lần ra Bắc, ông Dũng biết đến loại cá chép giòn, loài cá này có thể mang lại kinh tế cao. Nghĩ là làm, ông quyết định nhập hơn 2.000 cá giống về nuôi.
Thời gian đầu, loại cá này còn khá mới, lạ lẫm với người dân miền Tây, vì vậy thị trường tiêu thụ gặp khó khăn. Sau khi cá đạt năng suất, ông Dũng chở cá chép giòn tìm đến các nhà hàng lớn, dùng đủ cách để giới thiệu sản phẩm. Thậm chí ông đích thân vào bếp của nhà hàng để nấu cá rồi mời khách ăn thử. Sau bao nhiêu năm vất vả, cuối cùng cá chép giòn của ông Dũng cũng có thương hiệu và được nhiều nhà hàng tìm đến tận bè cá để mua.
Cho cá ăn đồ ngoại, thịt cá chép từ mềm sang giòn, dai. |
Nói về nguồn gốc cá chép giòn, ông Dũng cho biết, thực chất đây là những con cá chép thông thường, nhờ kỹ thuật nuôi đặc biệt trong giai đoạn quan trọng mà thịt cá chuyển từ mềm sang dai, giòn.
“Lúc nhỏ, cá chép được vỗ béo bằng thức ăn công nghiệp từ 4 – 6 tháng. Khi cá đạt trọng lượng từ 1,5kg, cá sẽ được chuyển qua bè khác, bắt đầu giai đoạn chuyển giòn”, ông Dũng cho hay.
Cá chép giòn ông Dũng nuôi trên sông Tiền. |
Ông Dũng cho biết thêm, giai đoạn chuyển giòn, cá chép sẽ được cho ăn một loại thức ăn duy nhất được nhập từ nước ngoài về là đậu tằm có nguồn gốc từ Úc, Canada, giá thành dưới 20.000 đồng/kg. Trước khi cho cá ăn, đậu tằm sẽ được ngâm trong nước khoảng 12 giờ. Sau đó đậu được cho vào thùng, nhấn chìm dưới nước để cá tự ăn.
Giai đoạn chuyển giòn, cá chép sẽ được cho ăn đậu tằm có nguồn gốc từ Úc, Canada... |
Mỗi con cá chép ăn đậu tằm trong 100 ngày sẽ hết từ 1,5 đến 2kg đậu tằm. Thời gian này, cá sẽ không tăng trọng lượng mà thịt cá chuyển mềm nhão sang giòn, dai.
Với hơn 20 bè cá, mỗi năm ông Dũng xuất bán khoảng 200 tấn cá chép giòn, lợi nhuận thu về khoảng vài tỷ đồng. “Giá trị kinh tế của cá chép giòn gấp đôi cá chép thường, với giá bán ổn định trên dưới 100 ngàn đồng/kg, có thời điểm cao xấp xỉ 200 ngàn đồng/kg”, ông Dũng tiết lộ.