Dẫn lời một số nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Síp và Hungary là hai trong số những quốc gia phản đối quyết liệt việc áp giới hạn giá dầu. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của EU muốn được thông qua cần phải nhận được sự nhất trí của cả khối.
Ủy ban châu Âu được cho là đã họp với các quốc gia thành viên vào cuối tuần qua để cố gắng dàn xếp một thỏa hiệp đối với gói trừng phạt. Nhiều thông tin chi tiết vẫn cần phải được thảo luận, bao gồm cả mức giá trần mà khối sẽ áp đặt với dầu Nga.
"Việc EU thúc đẩy áp đặt giá trần đối với dầu Nga sẽ gắn kết khối với nỗ lực của Mỹ nhằm giữ giá dầu thô không tăng cao và đánh vào doanh thu của Mátxcơva từ việc bán năng lượng”, Bloomberg nhận định.
Đầu tháng này, nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã thống nhất áp đặt giới hạn giá đối với dầu Nga trong một nỗ lực nhằm cắt giảm doanh thu của Mátxcơva. Quy định về giá trần dự kiến sẽ được áp dụng cùng lúc với các lệnh cấm vận của EU đối với dầu Nga: Bắt đầu vào ngày 5/12/2022 đối với dầu thô và ngày 5/2/2023 đối với các sản phẩm tinh chế, chẳng hạn như dầu diesel. Mức giá trần vẫn đang được thảo luận.
Đáp lại, Mátxcơva tuyên bố sẽ không thỏa hiệp trước các lệnh trừng phạt, thay vào đó, Nga sẽ vận chuyển dầu thô của mình đến các quốc gia không bị ràng buộc bởi giới hạn giá. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo rằng các quốc gia ủng hộ giới hạn giá sẽ không mua được dầu thô của Nga.
Là một thành viên EU nhưng Hungary vẫn tương đối trung lập kể từ khi giao tranh nổ ra ở Ukraine vào cuối tháng Hai. Budapest đã từ chối gửi vũ khí cho Kiev và liên tục chỉ trích các lệnh trừng phạt của EU đối với Mátxcơva, vì Hungary phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng Nga.
Đầu tháng này, ông Mikulas Bek, Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của CH Séc, hiện là chủ tịch Hội đồng EU, cảnh báo rằng lập trường của Hungary về Nga trên khía cạnh lý thuyết có thể khiến nước này quyết định rời khỏi khối.