Tỉnh nào cũng cảng biển, cảng hàng không
Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, thẳng thắn chỉ ra rằng, mang tiếng là liên kết để đưa kinh tế miền Trung phát triển, song thực tế tỉnh thành nào cũng chạy đua phát triển theo lợi thế của mình, mạnh ai nấy làm. “Cảng Chân Mây, Cảng Đà Nẵng, Cảng Kỳ Hà, Cảng Dung Quất, rồi Cảng Quy Nhơn, Nha Trang. Tỉnh nào cũng có cảng, không ai chịu nhường nhau trong nỗ lực phát triển chung. Nhà bên cạnh khai thác cảng thì mình cũng khai thác. Hay như cảng hàng không, có tới 4 cảng quốc tế là Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, nhưng du khách chỉ tập trung một nơi còn các nơi khác cứ đìu hiu”, ông nói. Theo ông, từ thực tế trên, cần phải rà soát lại để xác định ưu tiên, phân công chức năng rõ ràng. Cùng một ngành nghề, tỉnh nào có tiềm năng hơn thì ưu tiên phát triển, các tỉnh không được chọn thì ưu tiên cái khác để bù lại.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, phát triển cục bộ theo thế mạnh, tiềm năng của từng địa phương sẽ khiến cơ cấu ngành, sản phẩm của cả vùng trùng lắp, khó phát triển và thu hút đầu tư.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, tạo không gian phát triển thống nhất… có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, để liên kết được thì các địa phương phải có lợi ích về kinh tế, đảm bảo phát huy được tiềm năng của họ, sau đó đóng góp vào lợi ích chung. Muốn liên kết tốt cần có cả “dàn nhạc”, trong dàn nhạc đó có nhạc trưởng. Tuy nhiên, thực tế chúng ta không có chính quyền cấp vùng nên phải bàn bạc kỹ để tìm ra hướng thúc đẩy các địa phương liên kết với nhau”.
Du khách chủ yếu tới để… đi tắm
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói rằng, vùng duyên hải miền Trung có rất nhiều lợi thế như nằm trên trục giao thông chính Bắc - Nam, quan hệ chặt chẽ Tây Nguyên, Nam Lào, Campuchia. Đây cũng là vùng có tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là kinh tế biển. Ngoài ra, nguồn nhân lực ở đây cũng rất lớn… Do vậy, tại diễn đàn này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ kỳ vọng vùng phát triển xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của mình.
Về vấn đề này, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, du lịch miền Trung hoành tráng nhất nước nhưng du khách chủ yếu tới để… đi tắm. Các tỉnh đều có tiềm năng du lịch, có biển nhưng không khai thác gì nổi trội hơn. Ông Thiên cũng đề nghị Trung ương có chương trình xác định du lịch miền Trung thành mũi nhọn, nhằm vạch ra mục tiêu, đường đi cụ thể để các địa phương không còn lơ mơ trong phát triển du lịch. Ông nói thêm, ngoài việc nhiều cảng biển thì vùng còn có 5 khu kinh tế ven biển, tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch, lọc hóa dầu nhưng chưa được khai thác đáng kể.
Còn TS Huỳnh Thế Du (Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright), nhấn mạnh: Các tỉnh miền Trung đều có điều kiện xây dựng cảng nước sâu nhưng chỉ nên có một cảng. Không nên tận dụng tiềm năng này để xây dựng tràn lan bởi chưa chắc đã khai thác thành công. Kết thúc diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận: Cát cứ địa phương đang là rào cản lớn của phát triển kinh tế miền Trung. “Kết nối đã có nhưng kết nối chưa thực sự có chất kết dính, khiến kinh tế phát triển không như mong đợi. GDP bình quân còn thấp hơn so với các địa phương hai đầu đất nước, tỷ trọng nông nghiệp còn lớn (gần 18%) nên thu nhập bình quân thấp và năng suất còn thấp, chỉ số xuất khẩu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chỉ 2%”, Phó Thủ tướng nói.
Về các kiến nghị của diễn đàn và ban điều phối về cơ chế điều phối vùng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay sẽ ghi nhận, những kiến nghị nào liên quan đến các bộ, ngành sẽ yêu cầu xem xét. Riêng đề xuất xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển khu kinh tế trọng điểm về công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp chế biến sản phẩm từ dầu mỏ trên cơ sở rà soát và quy hoạch lại khu kinh tế Dung Quất và Chu Lai. Xây dựng quy chế đặc thù phát triển vùng kinh tế Chu Lai-Dung Quất, làm trung tâm công nghiệp-cảng biển (logistics) - đô thị biển của vùng duyên hải miền Trung…, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2025 – 2035, trong đó có đề xuất định hướng về trung tâm dầu khí miền Trung, nòng cốt là Nhà máy lọc dầu Dung Quất, theo đó sẽ quy hoạch các dự án sản xuất nhà máy, tổ hợp hóa dầu…
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh tế miền Trung hai năm một lần.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, du lịch miền Trung hoành tráng nhất nước nhưng du khách chủ yếu tới để….đi tắm. Các tỉnh đều có tiềm năng du lịch, có biển nhưng không khai thác gì nổi trội hơn. Ông Thiên cũng đề nghị Trung ương có chương trình xác định du lịch miền Trung thành mũi nhọn, nhằm vạch ra mục tiêu, đường đi cụ thể để các địa phương không còn lơ mơ trong phát triển du lịch.