Liên Hợp Quốc kêu gọi khẩn cấp góp tiền chống Ebola

Các nhân viên y tế chiến đấu trực tiếp với Ebola là những người dễ có nguy cơ nhiễm bệnh
Các nhân viên y tế chiến đấu trực tiếp với Ebola là những người dễ có nguy cơ nhiễm bệnh
TP - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm qua kêu gọi khẩn cấp các nước đóng góp tiền cho quỹ giúp chống lại dịch Ebola. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ cho biết có thể điều quân dự bị đến Tây Phi giúp chống dịch, nhưng vẫn phản đối áp dụng lệnh cấm bay.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết, quỹ tín thác 1 tỷ USD mà ông huy động từ tháng 9 đến nay mới nhận được 100.000 USD, đồng thời phê phán thế giới chưa đủ nỗ lực để chống lại Ebola. Trong khi đó, số người chết vì virus này đã lên tới khoảng 4.500 người, chủ yếu ở Liberia, Guinea và Sierra Leone.

Các nhà tài trợ đã góp gần 400 triệu USD cho các cơ quan và tổ chức cứu trợ khác của LHQ, nhưng quỹ tín thác với mục tiêu trở thành khoản dự trữ chi tiêu linh hoạt mới chỉ nhận được cam kết tài trợ 20 triệu USD.

Trong số các nước cam kết đóng góp, mới chỉ có Colombia thực sự trao tiền, với 100.000 USD. Phái viên đặc biệt của LHQ về Ebola, ông David Nabarro, nói rằng, dự kiến, quỹ này sẽ “đáp ứng linh hoạt trước cuộc khủng hoảng mà mỗi ngày lại tạo ra thách thức mới”. 

Ông Ban Ki-moon nói rằng, đây là lúc để những nước “thực sự có khả năng” hỗ trợ tài chính và hậu cần. Lời kêu gọi tương tự cũng được Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim đưa ra gần đây.

Cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan gần đây nói rằng, ông cảm thấy “thất vọng một cách cay đắng” trước phản ứng của cộng đồng quốc tế. “Nếu cuộc khủng hoảng này xảy ra ở một số khu vực khác trên thế giới thì có thể nó đã được xử lý rất khác. Cộng đồng quốc tế chỉ thực sự thức tỉnh khi nó đã đến Mỹ và châu Âu”, BBC dẫn lời ông Annan.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang tăng cường nỗ lực ngăn ngừa Ebola lan rộng ra khỏi 3 nước đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Một quan chức của WHO, bà Isabelle Nuttall, nói rằng, 15 nước châu Phi đang ưu tiên nhiệm vụ phòng bệnh và bảo vệ, trong đó 4 quốc gia tiếp giáp trực tiếp với các nước có dịch, gồm Bờ biển Ngà, Guinea Bissau, Mali và Senegal, được chú ý hơn cả.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa cho phép điều động lực lượng dự bị của quân đội nước này tới Tây Phi nếu cần thiết, nhằm hỗ trợ 4.000 lính Mỹ đang làm nhiệm vụ ở đây. Ông Obama cũng có thể bổ nhiệm một quan chức, hay một chiến lược gia, chỉ huy hoạt động chống Ebola tại Mỹ.

Những ngày gần đây, các cố vấn y tế cao cấp của ông Obama vấp phải chỉ trích gay gắt sau khi 2 y tá Mỹ bị nhiễm Ebola từ một bệnh nhân tử vong tại một bệnh viện ở bang Texas.

Giới chức Mỹ tin rằng, một trong 2 y tá, cô Amber Vinson, có thể đã có triệu chứng nhiễm bệnh trước 4 ngày nhưng vẫn được lên 2 chuyến bay trước khi được xác định nhiễm virus. Các chuyên gia kiểm soát bệnh đang được cử tới bang Ohio để giúp giám sát những người mà y tá này đã tiếp xúc khi bay từ thành phố Dallas (bang Texas) tới đây vào tuần trước. 

Các nhà làm luật Mỹ vừa mở một cuộc điều trần trước Quốc hội về việc chính phủ xử lý dịch Ebola tại Mỹ. Một vài người kêu gọi áp dụng lệnh cấm các chuyến bay từ Tây Phi vào Mỹ. Tuy nhiên, ông Obama phản đối áp dụng lệnh cấm bay vì các biện pháp sàng lọc tại sân bay vẫn đang hoạt động tốt.

Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, lệnh cấm bay có thể khiến một số người tránh các biện pháp sàng lọc và tìm đến Mỹ bằng con đường khác, khiến số ca nhiễm bệnh tăng cao hơn, Reuters đưa tin.

Tại châu Âu, Tây Ban Nha cũng đang phải đối phó khả năng Ebola lây lan, khi đã có thêm 4 ca mới có triệu chứng nhiễm bệnh phải nhập viện.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.