Sự kiện đáng chú ý nhất của làng bóng đá Việt Nam tuần qua có lẽ là lá đơn của hơn 100 cựu cầu thủ, cựu trọng tài gửi lên Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện. Nội dung lá đơn cho rằng bóng đá Việt Nam tồn tại nhiều vấn đề, đang “chạm đáy” và một trong những biện pháp cần thiết cần thực hiện là cải tổ LĐBĐVN (VFF). Hai quan chức được nhắc đích tên là Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn.
Việc này khiến nhiều người nhớ lại câu chuyện diễn ra suốt 1 năm qua, khi ông Dũng và ông Tuấn trở thành mục tiêu tấn công từ nhiều phía, thông qua lá đơn tố cáo nhận hối lộ của một cựu cán bộ VFF, bị cho nghỉ việc theo yêu cầu tăng hiệu quả hoạt động bộ máy liên đoàn.
Những lời dèm pha nhằm vào hai quan chức thuộc hàng “tốp” ở VFF chỉ dừng lại khi cơ quan điều tra vào cuộc và đưa ra kết luận chính thức, minh oan cho cả 2. Tại thời điểm trên, nội bộ lãnh đạo cấp cao VFF xảy ra bất đồng sâu sắc. Lâu lâu, dư luận và người hâm mộ lại một phen bất ngờ với những tin tức mang tính riêng tư được tiết lộ ra ngoài.
“Tôi không muốn bình luận đến chuyện động cơ của những người đứng đơn là gì, vì có thể người ta thực lòng vì bóng đá Việt Nam. Nhưng dù như thế nào thì khi đánh giá cũng cần khách quan. Bóng đá Việt Nam còn nhiều tồn tại, đấy là thực tế không thể phủ nhận. Nhưng cũng không thể vì vậy lại phủ nhận thành quả khác, do nỗ lực của nhiều người mới có”.
Ông Lê Hoài Anh
Bên ngoài thì lấy làm lạ, nhưng người trong cuộc thì biết rằng làng bóng đá đang xoay vần quanh chiếc ghế Chủ tịch VFF. Chuyện ông Lê Hùng Dũng sức khoẻ có lúc không tốt trở thành hy vọng cho nhiều người. Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn, “xui xẻo” khi được coi là một trong những ứng viên nặng ký kế nhiệm, bị liệt vào diện đối thủ “tiềm năng”.
Chuyện vừa lắng xuống, thì mới đây tiếp tục bị xới lại. Làng bóng đá Việt, như nhận định của người trong cuộc, lại đang báo hiệu những sóng gió mới.
Hôm qua trên nhiều tờ báo, thấy TTK Lê Hoài Anh mải mốt đưa ý kiến, trước những mũi dùi nhằm vào VFF. Ở VFF, TTK Lê Hoài Anh có lẽ là người nền nã và ít mang tính “chiến đấu” nhất.
“Tôi không muốn bình luận đến chuyện động cơ của những người đứng đơn là gì, vì có thể người ta thực lòng vì bóng đá Việt Nam. Nhưng dù như thế nào thì khi đánh giá cũng cần khách quan. Bóng đá Việt Nam còn nhiều tồn tại, đấy là thực tế không thể phủ nhận. Nhưng cũng không thể vì vậy lại phủ nhận thành quả khác, do nỗ lực của nhiều người mới có”-ông Lê Hoài Anh cho biết.
Theo TTK Lê Hoài Anh, nhiệm kỳ VII của VFF đã xác định hướng phát triển lâu dài, tập trung đầu tư cho bóng đá trẻ. “Ai cũng có thể thấy trong hơn 2 năm trở lại đây, bóng đá trẻ Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực. Gần nhất đội tuyển U19 vừa vô địch cúp Tứ hùng ở Myanmar.
Trước nữa, U17 dự tranh VCK châu Á ở Ấn Độ, U23 lần đầu đoạt vé dự VCK châu Á 2016, HCĐ SEA Games 2015”-ông Hoài Anh nói tiếp. TTK Lê Hoài Anh cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của bóng đá Việt Nam chính là 3 năm sau khi chia tay HLV H.Calisto (năm 2010). Tuyển U23 và ĐTQG thất bại trên mọi mặt trận.
Trong khi đó gần nhất, ĐTQG đã vào tới bán kết AFF cup 2014. Theo ông Lê Hoài Anh, với từng nấy thành tích trong hơn 2 năm, nói bóng đá Việt Nam xuống đáy là thiếu khách quan, không mang tính xây dựng.
Trả lời phóng viên Tiền Phong, một lãnh đạo VFF hôm qua cho biết, Tổng cục đã biết lá đơn của các cựu cầu thủ, trọng tài về yêu cầu cải tổ VFF. “Chúng tôi cho rằng 2 năm vừa qua, VFF có cái chưa làm được, nhưng cũng có cái đang làm rất tốt. Lấy ví dụ như đào tạo trẻ, việc VFF xác định hướng đầu tư cho bóng đá trẻ cũng tạo nên sự khích lệ đối với các CLB. Mặc dù vậy dư luận góp ý thì chúng ta nên nghe, bởi nếu thấy đúng thì chỉnh sửa, còn nhỡ có sai cũng không hại gì”-vị trên cho hay.
Cũng theo quan chức Tổng cục TDTT trên, truyền thông đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của bóng đá nói riêng và thể thao nói chung. Báo chí vì vậy khi đưa tin cần khách quan, nhiều chiều.