Khi tôi 18 tuổi, đang là học sinh lớp 12 Trường PTTH Lê Quí Đôn, thì một trong những truyện ngắn trong cuốn sổ đó được đăng báo Hoa Học Trò (HHT). Đó là truyện “Búp bê băng giá”, viết về một cô học trò kiêu kỳ, có thái độ lạnh lùng băng giá khiến các bạn nam trong lớp phải bận lòng. Dù có nội dung về tình cảm khác phái, truyện được viết với văn phong trong trẻo và hài hước, đúng chất học trò Sài Gòn. Tôi vẫn còn nhớ đó là số Xuân Quí Dậu 1993, bìa là hình Trương Ngọc Ánh, do nhiếp ảnh gia Hoài Linh chụp.
Niềm vui lần đầu có tác phẩm đến với bạn đọc cả nước và số tiền nhuận bút đầu tiên (một trăm ngàn đồng chẵn) giúp tôi bắt đầu viết truyện ngắn say sưa hơn. Tôi không còn viết tà tà, chép từ từ nữa. Nhất là khi tôi được kết nạp vào nhóm bút Hương đầu mùa. Tôi sáng tác rất nhanh, các câu chuyện cứ xuất hiện liên tục và tôi cứ thế “ào ào” viết. Anh Phạm Công Luận (lúc đó là Phó ban Đại diện của báo tại TPHCM) có vẻ hài lòng với sức làm việc hồn nhiên của tôi. Nhưng chú Nguyễn Như Mai (Trưởng ban Hoa Học Trò) dường như muốn tôi viết chậm lại, sâu hơn, thâm trầm, mang chất văn học hơn.
Có lẽ vì là người Sài Gòn, lại đang tuổi học trò hồn nhiên, tôi cứ viết theo bản năng, theo sở thích, theo bản tính tinh nghịch của mình. Tôi không quan tâm lắm đến những góp ý hay khen chê. Mỗi ngày, thầy giám thị đem cho tôi cả xấp thư của độc giả cả nước. Vì tôi ký tên vào mỗi truyện ngắn của mình là Dương Thụy (12P Lê Quí Đôn, TPHCM) nên mọi người cứ thế mà viết thư về địa chỉ này. Lớp 12P không có ai tên Dương Thụy, nhưng thầy đoán ra đó là tôi - Dương Thụy Phương Khanh. Thời gian đầu, thầy còn vui chung với tôi, hỏi han sao tôi được nhiều người quan tâm, hỏi thư viết gì. Nhưng dần dần, thầy bắt đầu lo lắng tôi sa đà vào đọc thư và trả lời thư, sẽ ảnh hưởng đến việc học. Thế là thầy tịch thu hết, hứa khi nào tôi thi tốt nghiệp xong sẽ trả. Nội dung thư các bạn gởi về đều khen truyện tôi vui, đọc là cười và luôn mong có truyện mới.
Nhờ những lời khen ngợi của độc giả cùng độ tuổi mà tôi cứ hồn nhiên viết. Có dạo, truyện của tôi ít được đăng vì Ban biên tập nhận định tôi lặp lại chính mình. Tôi được khuyên nên thay đổi phong cách, vì văn của tôi không gai góc, thâm trầm mà hồn nhiên quá. Tôi có chút nản chí, nhưng vẫn cứ “lì lợm” tiếp tục viết. Sau này, nhìn lại hành trình viết lách của mình, tôi nhận ra bản tính “lì lợm” đã giúp tôi ở lại với đam mê. Nhiều người quan niệm, truyện ngắn là phải được viết đào sâu vào tâm lý nhân vật, phải lắng đọng, phải lai láng, phải là những áng văn chương bất hủ! Bản tính của tôi vào độ tuổi mười tám - hai mươi không phải là người thâm trầm mà rất sôi nổi, vì thế, tôi viết về những câu chuyện thường ngày, trường lớp, thầy cô, những mối tình trong sáng tuổi hoa, những mối quan hệ gia đình, tình cảm ruột thịt…
Báo Hoa Học Trò - Sinh Viên Việt Nam tuyển tôi vào làm phóng viên sau khi tôi tốt nghiệp Cao học. Trong hai năm làm phóng viên, tôi cùng các bạn đồng nghiệp (Phan Hồn Nhiên, Hải Miên, Hoàng Dạ Thi…) tung hoành khắp nơi, viết lách năng nổ. Tôi hay đi công tác với Phan Hồn Nhiên nhất, dù tính cách có phần trái ngược nhau. Tôi theo kiểu Sài Gòn, bộc trực và nóng nảy, còn Phan Hồn Nhiên theo kiểu người Hà Nội, tinh tế và ôn tồn. Cặp phóng viên “một trầm - một bổng” chúng tôi kết hợp đi công tác về các tỉnh, đến các trường Đại học để lấy tin, phỏng vấn, viết bài, phối hợp rất ăn ý.
Khi cùng nhau đi công tác, Phan Hồn Nhiên và tôi phải ngồi xe đò, xuống miền Tây, ăn bờ uống bụi. Đi tới đâu chúng tôi cũng bị xem là Việt kiều hay ngoại kiều (do trắng trẻo quá). Phan Hồn Nhiên hay bị người dân ở tỉnh nhầm là người Nhật nên tôi phải đứng ra trả giá khi đi chợ mua đồ ăn, gọi xe lôi, mua vé xe đò… Không ai có thể tưởng tượng tuy có vẻ bề ngoài trắng trẻo, hai chúng tôi lại rất năng nổ, dám chia ra mỗi người một hướng, leo lên mỗi người một chiếc xe ôm, khởi hành từ thị trấn Châu Đốc, chạy mấy chục cây số xuống tận những vùng đất heo hút như Tịnh Biên (giáp biên giới Campuchia) và khu vực buôn lậu giữa hai đất nước.
Ngoài tình đồng nghiệp vui vẻ ở báo HHT, tôi còn giữ rất nhiều kỷ niệm êm đềm với chú Nguyễn Như Mai, Nguyễn Phong Doanh; anh Phạm Công Luận… Mọi người yêu thương, bảo ban, chỉ dạy tôi rất nhiệt tình. Thời đó tôi quá trẻ, dù làm việc năng nổ, kỹ năng giao tiếp trong môi trường công sở lại quá non yếu. Tôi nghĩ các chú, các anh phải lắm phen mệt mỏi với một nhân viên Sài Gòn bướng bỉnh.
Sau hai năm làm phóng viên của báo, tôi quyết định đi du học. Khi về nước, tôi không còn làm báo nữa. Tôi gởi lời cảm ơn chân thành, từ tận đáy lòng mình, đến tất cả các anh, các chị và các chú làm việc ở báo.