Thứ tôi rời đi là vị trí Trưởng ban chuyên đề, vai trò nhà báo của báo Sinh Viên Việt Nam- Hoa Học Trò (mà nay thuộc về báo Tiền Phong). Hóa ra tôi vẫn là tôi, Hoàng Anh Tú, một trong những cựu Chánh Văn báo HHT. Dù có thêm 10, 20 hay 30 năm nữa, tôi vẫn là người của HHT, nhắc đến Hoàng Anh Tú, cái tên đó vẫn cố định không thể tách rời với HHT. Dù tôi có làm việc ở đâu thì người đọc vẫn nói tôi ở tờ báo thân thương đó. Tôi biết, nhiều người khác cũng như tôi, dù chỉ là cộng tác viên đi chăng nữa. HHT đặc biệt như thế đó.
Những tên tuổi như Hoài Linh, Vũ Hải Sơn, Xuân An, Lưu Quang Định, Việt Văn… Hay nhiều cây bút khá nổi tiếng khác cũng vậy, không một ai rời khỏi HHT mà đoạn tuyệt được với tờ báo ấy. Nói 30 năm HHT ươm mầm nhưng tôi nghĩ, 30 năm tờ HHT đã gắn neo vào mỗi chúng tôi.
Sợi chỉ đỏ nhân văn giấu trong từng trang báo
30 năm qua, HHT đã: Ươm mầm cho biết bao “nhà báo học trò” trở thành nhà báo chuyên nghiệp; Ươm mầm cho nghiệp viết lách của hàng triệu học trò; Ươm mầm cho sự tử tế thông qua những câu chuyện “Café chiều thứ Bảy”- “Sống tích cực - Nghĩ khác đi và Yêu thương nhiều hơn”; Ươm mầm cho “sợi chỉ đỏ nhân văn” mà 30 năm qua các thế hệ cây bút “giấu” trong từng bài viết lên trang…
30 năm với hàng chục thế hệ học trò đã lớn lên cùng mỗi trang báo hằng tuần. Là tuổi học trò của hàng triệu 7X, 8X, 9X và cả thế hệ Y2 (những người trẻ sinh sau năm 2000). Ngay cả thuật ngữ 8X do HHT khởi xướng và đặt tên cũng đã trở thành tên gọi được sử dụng rộng khắp. Hay những từ như “núi đôi”, “nguyệt san”, đến những địa điểm có thật được đặt tên theo những câu chuyện trên báo HHT như “Bến Hàn Quốc” ở Hồ Tây… Hiếm có tờ báo nào có sức ảnh hưởng đến thế.
30 năm rồi, HHT hôm nay có thể đã khác đi nhiều, vì cuộc sống hiện đại đã có nhiều thay đổi. Làn sóng công nghệ làm chao đảo ngành công nghiệp báo in, lũ trẻ đã mất dần thói quen mua báo như cha mẹ, anh chị của các em. Nhiều bậc cha mẹ đã than thở với tôi rằng, họ đang lo lắng cho thế hệ con em họ không còn được nuôi dưỡng tâm hồn bằng những trang báo HHT. Tôi cũng từng xót xa khi thấy chính con mình lâu rồi không chịu đọc, chỉ quen nghe nhìn. Lại thấy chúng ta, những người lớn đang có lỗi với lũ trẻ nhiều lắm. Chúng ta nợ lũ trẻ một miền đất phù sa bồi đắp tâm hồn các em.
Vượt lên những thách thức của thời đại mạng xã hội mà ở đó, mỗi người dần phó mặc để cho mình bị nhồi đầy chặt thông tin một cách thụ động, tới nỗi đôi khi không còn biết tâm hồn mình cần gì. HHT vẫn bền bỉ phát hành đều đặn, vẫn là diễn đàn của những cây bút học trò cất lên tiếng nói về những vấn đề thế hệ mình đang đối diện, nơi chia sẻ những sáng tác đầu tay hay đơn giản là những tâm sự rối bời ở tuổi mới lớn. Ở năm thứ 30, HHT giờ đã là phiên bản báo màu dày dặn, rực rỡ như đúng tên gọi của mình để thỏa mãn thị giác của thế hệ bạn đọc sinh ra và lớn lên trong kỷ nguyên công nghệ số. Hệ thống sạp báo suy yếu thì HHT tìm vào nhà sách, lên các “chợ điện tử” Fahasa.com, Shopee…, đến tận nhà qua hệ thống bưu điện.
Với cuộc thi kiêm khóa đào tạo báo chí Thử thách kim cương tổ chức hằng năm, HHT vẫn đang tiếp tục ươm mầm cho những nhà báo tương lai 2025, 2030, 2035. Những bạn trẻ có cơ hội học cách làm báo từ cái nôi HHT, Tiền Phong. Chính các bạn là lứa độc giả tương lai của Tiền Phong bắt đầu từ Thiên Thần Nhỏ, Trà Sữa Cho Tâm Hồn, HHT… Là những người trẻ Việt trưởng thành không đau đớn bằng những trang báo nuôi dưỡng tâm hồn, gia tăng kỹ năng chống chịu với sự thay đổi của cuộc sống, làm giàu kiến thức, học sống văn minh, trưởng thành cùng HHT.
HHT vẫn đang nỗ lực làm mới mình trong từng số báo để mãi xứng đáng với dòng tuyên thệ “Sự lựa chọn của thế hệ mới”. Để 30 năm chỉ là số năm chứ không phải số tuổi, là kinh nghiệm nhiều hơn chứ không già đi. Tương lai không phải là Cách mạng 4.0, tương lai là những đứa trẻ được trang bị kỹ năng, có một tâm hồn giàu có, nghĩ tích cực, sống văn minh. Tương lai của chúng ta là gì nếu không phải là những đứa trẻ hôm nay?
Chúc mừng sinh nhật HHT! Tờ báo này sẽ tiếp tục phù sa bồi đắp cho mỗi đứa trẻ của chúng ta.