Đơm nụ đầu vì học trò
Tên gọi Hoa Học Trò mang tính hình tượng. Đã là hoa thì sẽ tỏa hương. Vì vậy, chúng tôi đặt tên trang mục sáng tác của các bạn có tác phẩm là Hương Đầu Mùa.
Khi xây dựng khung nội dung cho Hoa Học Trò, tòa soạn mời các nhà văn, nhà thơ quen viết cho tuổi thơ như Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Thiên Hương, Võ Xuân Hà, Ngô Quân Miện, Trần Mạnh Hảo, Trần Hoàng Vy, Phạm Đức, Nguyễn Ngọc Oánh, Bùi Chí Vinh... viết bài “thả thính”. Chúng tôi trực tiếp thâm nhập các trường, tiếp xúc và tìm hiểu “chất học trò” hiện nay thực sự như thế nào.
Đặc san Hương Đầu Mùa |
Ngay sau khi phát hành số báo đầu tiên, Đoàn Công Lê Huy (trong vai Chánh Văn) lái “bình bịch” đèo tôi phóng về Nam Định, đột nhập vào trường THPT Lê Hồng Phong nổi tiếng. Tại sân trường có tấm bảng lớn, chép bài thơ của Đương Huyền Phương, một học sinh chuyên văn. Chúng tôi đọc và reo lên “Euréka!” - Đây rồi.
Đó là bài thơ Đưa em vào tuổi mây với phụ đề “Em mười sáu tập làm thơ mười bảy”. Cái tuổi chuyển giai đoạn để trở thành người lớn. Cái tuổi giữa mộng mơ và cuộc đời thực “Em đi giữa cuộc đời và vầng trăng”. Bài thơ đăng lên đã mở đầu cho mục Học trò bình thơ học trò rất sôi nổi.
Tờ báo đã bắt đúng nhịp tim của lứa tuổi. Ngay lập tức có sự cộng hưởng của học trò khắp mọi miền.
Lấp đầy khoảng trống văn học trẻ
Trong khi các nhà văn, nhà thơ bỏ quên, chưa viết các tác phẩm dành cho lứa tuổi mới lớn, thì chính các bạn tuổi hoa đã tự mình lấp vào khoảng trống ấy.
Thời đó, bài vở gửi về ào ạt, hàng bao tải mỗi ngày. Chúng tôi vùi đầu vào đọc và đọc. Và chọn. Và biên tập. Bận bịu tối mắt mà vui. Ngay trong những số báo đầu đã xuất hiện những cây bút gây được ấn tượng với bạn đọc.
Đó là Hoàng Dạ Thi (Huế) lí lắc, Nguyễn Phương Mai (Hà Nội) gai góc. Là Diệu Linh (Hà Nam) ngơ ngác đồng quê. Là Tháng Giêng (Hà Nội) dồi dào sáng tạo cùng với Trang Hạ chuẩn mực trong văn chương, Dương Thụy sôi nổi, Phan Hồn Nhiên tinh tế. Rồi Lê Thu Thủy - Dạ Hương (Nghệ An) sắc sảo, Phạm Thùy Hương - Dạ Thảo (Thanh Hóa) phóng khoáng.
Xem ra cái thuở ban đầu, có vẻ âm thịnh, dương suy. Nhưng sau đó xuất hiện những anh tài làm cho hội bút trở nên cân bằng. Các chàng trai có vẻ ít lộ diện nhưng ẩn tàng nội lực để sau này nổi đình đám, nào là Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Tiểu Tuyền Thư (Nguyễn Vĩnh Tiến), Đactanhăng (Đặng Thiều Quang), Sơn Trần...
Lứa Hương Đầu Mùa về sau càng đông đảo các đấng nam nhi: Nguyễn Phan Hưng (bút trưởng thay Trang Hạ), Chu Minh Vũ, Hoàng Anh Tú, Kim Ngọc Minh, Hồ Hưng, Trọng Tùng, Dương Bình Nguyên...
Nếu như văn chương Hương Đầu Mùa lứa trước có nét lãng mạn bay bổng, thì lứa sau thiên về tư duy, giàu tưởng tượng. Họ đã sáng tác nhiều truyện khoa học viễn tưởng và trinh thám, tập hợp thành sách để in.
Dựa vào số bài đăng trên báo có chất lượng, Ban biên tập công nhận họ là thành viên Hội bút, có cấp thẻ hẳn hoi. Các bạn được cấp thẻ lấy làm tự hào lắm. Nhiều bạn cho đến nay, sau 30 năm vẫn còn giữ và đem khoe tấm thẻ này trên facebook.
Xin nói thêm, số hội viên đã rất đông đảo, nhưng không bao gồm hết được hàng trăm tác giả có sáng tác hay được đăng trên báo. Đôi khi chỉ vì không liên hệ được.
Sáng tác Hương Đầu Mùa là một “trào lưu” do Hoa Học Trò khởi xướng, chứ không phải của riêng hội bút Hương Đầu Mùa.
Có những cây bút không phải là hội viên, nhưng cũng nằm trong trào lưu ấy, sau này trở thành những tác giả có tiếng, như nhà văn quân đội Đỗ Bích Thúy, nữ hoàng trinh thám Di Li, nhà báo nhà văn Võ Hồng Thu...
Đến năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp tất cả hội bút suốt một buổi tại hội trường mới xây của tòa nhà chính phủ. Chưa từng có báo nào tổ chức hội báo như Hoa Học Trò, hàng vạn bạn đọc tham gia tưng bừng.
Mãi đọng trong ký ức
Về sau khi có facebook, trên nhóm Facebook Hương Đầu Mùa, nhiều bạn bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm xưa trong trẻo như pha lê.
Nhiều bạn coi đó là sự khởi nghiệp của mình trên con đường văn nghiệp. Có thể kể đến các nhà văn nhắc đến ai cũng biết: Dương Thụy là "tác giả trẻ" liên tục cho ra mắt nhiều tác phẩm ăn khách. Phong Điệp không thể kể hết được tác phẩm, chủ yếu là truyện ngắn, là một “yếu nhân” trong Ban chấp hành Hội Nhà văn VN. Phan Hồn Nhiên xưa nhỏ nhẹ, nay xông vào những đề tài nóng và cả những truyện kỳ ảo.
Có những nhân vật rất đặc sắc: Nguyễn Phương Mai yểu điệu giàu sáng tạo, nhiều trải nghiệm, trở thành tiến sĩ, giảng viên đại học về truyền thông ở nước ngoài, bàn chân đi khắp tứ xứ. Tiểu Tuyền Thư với tên con gái “hóa thân” thành nhạc sĩ, kiến trúc sư.
Trong làng kiến trúc sư, còn có nhà văn Đặng Thiều Quang, KTS Nguyễn Phan Hưng, Nguyễn Hằng Nga (Bản cô nương Trăng Tròn)...
Hầu hết đều “phát tác” từ thơ, nhưng chẳng mấy ai theo đuổi thơ như Bình Nguyên Trang (nhưng vẫn làm báo). Họ đổ bộ vào làng báo, đủ cả truyền hình, phát thanh, báo viết: Hoàng Phương, Phạm Thùy Hương, Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Diệu Linh, Lê Thanh Lương, Chu Minh Vũ, Trần Đức Hạnh, Đương Huyền Phương, Vũ Thu Huế... Không kể xiết.
Hương Đầu Mùa là “một thuở” đã qua. Một thuở trẻ trung, trong sáng. Một thuở “bung lụa” văn chương “tuổi teen”. Đó mới chỉ là những tác phẩm đầu tay của những người cầm bút đang ngồi trên ghế nhà trường. Chưa thể gọi là tuyệt tác, chưa thể mặc định là một trường phái mới nhưng đã để lại dấu ấn riêng một thời.