Cầm tờ báo đầu tiên được xuất bản, tôi rất vui. Dù phần trình bày báo khi đó chưa được bắt mắt lắm, nhưng tôi thấy có triển vọng, vì báo có những bài viết hay, có tính văn chương, nhất là truyện ngắn, thơ… Sau đó, bên cạnh nhiệm vụ viết bài và chụp ảnh bìa cho báo, tôi được phân công tổ chức bài vở Hoa Học Trò ở phía Nam, biên tập bước 1 trước khi gửi ra tòa soạn Hà Nội.
Một buổi phóng viên báo Sinh Viên Việt Nam và Hoa Học Trò trao đổi nghiệp vụ với nhà báo Cù Mai Công, phóng viên báo Tuổi Trẻ (trái). Trong ảnh có các cây bút như Phan Hồn Nhiên, Hải Miên, Nguyễn Đình, Dương Thụy, Đông Vy, Trần Thu Hà, Hồ Ngọc Đoan Khương... Ảnh tư liệu |
Là tuần san dành cho tuổi mới lớn, Hoa Học Trò có vị trí đáng được ghi nhận trong nền báo chí Việt Nam hiện đại, vì phát hành khắp cả ba miền với số lượng có lúc lên đến khoảng 20 vạn bản/kỳ. Tờ báo được sản xuất, in ấn tại tòa soạn ở Hà Nội vẫn được đông đảo độc giả miền Nam yêu thích, là câu chuyện hiếm có trong làng báo giấy, trong thời kỳ internet chưa phổ biến và báo trực tuyến còn chưa xuất hiện.
Ngay từ những năm đầu, Hoa Học Trò đã quy tụ được nhiều người có năng lực, xây dựng được những chuyên mục rất thu hút bạn đọc như trang 3 Trò chuyện trong tuần, Văn phòng Divu, hay Tâm tình tuổi mới lớn. Đặc biệt, các tranh vẽ minh họa và biếm họa của họa sĩ Còm - Nguyễn Hữu Khoa rất được hâm mộ.
Ban Biên tập thời ấy cũng rất quan tâm đến việc bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo cho đội ngũ. Nhiều khoá học nghiệp vụ được tổ chức ngay tại tòa soạn (do các nhà báo Pháp của tờ Ouest-France, các nhà báo Thụy Điển do tổ chức hợp tác quốc tế Thụy Điển SIDA giảng dạy) cùng các lớp báo chí do Hội nhà báo Việt Nam tổ chức.v.v… Lần nào anh Phong Doanh, Tổng biên tập cũng yêu cầu phải có phóng viên phía Nam ra học. Mỗi lần ra Hà Nội công tác, anh thường tạo điều kiện cho chúng tôi ở lại khá lâu để làm việc, trao đổi nghiệp vụ, giao lưu, đi tác nghiệp hoặc tham quan các tỉnh phía Bắc.
Trong thời gian đầu, Hoa Học Trò dần tiếp cận được độc giả phương Nam, nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. Khi đó, thị trường báo chí dành cho tuổi mới lớn xuất bản tại khu vực phía Nam đã có một số tên tuổi nổi bật, được ưa chuộng và trình bày rất đẹp, số lượng phát hành khá cao.
Đến năm 1993 - 1994, tôi đề xuất thành lập Nhóm bút Hương Đầu Mùa phương Nam. Lúc đầu chỉ có các cây bút Trọng Phước, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Thị Châu Giang, Hải Miên, Dương Thụy… và một số bạn khác. Những cây bút này đã thực sự tạo nên hương sắc phương Nam cho Hoa Học Trò. Tờ báo đã bắt đầu được độc giả phía Nam chú ý. Tuy nhiên, đến cuối năm 1994 mới xuất hiện một “cú hích” quan trọng.
Năm đó, anh bạn tôi là Phạm Minh Tiến vừa lấy bằng Thạc sĩ ở Canada về. Trong một buổi họp mặt, anh đưa tôi xem cuốn sách có những hình màu với đường vẽ loằng ngoằng như tranh trừu tượng không ra hình thù gì mà anh mua bên Canada. Anh giới thiệu đây là loại ảnh ảo 3D (ba chiều) được sáng tạo qua máy tính và rất phổ biến ở Âu Mỹ. Ẩn trong một bức hình loằng ngoằng đó, nếu biết cách nhìn (tập trung nhìn sâu vào một điểm) sẽ thấy xuất hiện một hình tượng người, hay thú, hay cảnh vật nổi lên một cách bất ngờ. Tôi cố gắng nhìn và thấy điều kỳ diệu đó. Tôi xin chụp những tấm ảnh đó và gửi ra cho tòa soạn Hà Nội. Ngay sau đó, báo Hoa Học Trò bắt đầu đăng và là tờ báo đầu tiên đăng loại ảnh này (lúc đó, hầu hết các báo thích là… đăng, chưa quan tâm đến bản quyền. Khoảng 10 năm sau, Việt Nam mới chính thức tham gia công ước Bern về quyền tác giả).
Trong thời buổi chưa có mạng internet, ảnh ảo 3D thật hấp dẫn và tạo nên một cơn sốt từ phía Bắc lan vào phía Nam, các sạp báo ở TPHCM bán nhiều Hoa Học Trò hơn thấy rõ. Báo Tuổi Trẻ nhạy bén mời ngay tiến sĩ Lê Trường Tùng viết bài dài 3 kỳ phân tích về loại ảnh này. Sau đó, nhà xuất bản Kim Đồng mua một số bản từ nước ngoài để xuất bản mấy cuốn sách liên tiếp về ảnh 3D. Cơn sốt 3D từ báo Hoa Học Trò lan ra cả nước và kéo dài nhiều tháng. Từ đó, nhiều độc giả trẻ phía Nam biết đến tờ báo và khi mua báo, họ nhận ra nội dung báo cũng có nhiều bài hay, rất thú vị dí dỏm và qua đó còn hiểu được các bạn tuổi mới lớn ở miền Bắc sống và nghĩ, học và yêu thương như thế nào.
Thật ngẫu nhiên, toà soạn báo Sinh Viên Việt Nam - Hoa Học Trò ở Hà Nội về sau nằm trên con đường mang tên tiến sĩ Phạm Văn Bạch - chính là thân phụ đã quá cố của anh Tiến, người đem tranh 3D về từ Canada.
Đó là một giai đoạn đáng nhớ!
Những năm sau đó, Hoa Học Trò tiếp tục cải tiến nội dung, tăng dần tính giải trí, kỹ năng sống. Bên cạnh đó vẫn có những chuyên mục để lại dấu ấn trong lòng độc giả như Truyện ngắn hay “Ấu thơ trong tôi là…”, với nhiều bài viết hay của các cây bút như Hải Miên, Đông Vy, Hồ Ngọc Đoan Khương…
Khoảng đầu thập niên 2000, báo bắt đầu đưa nhiều về âm nhạc thế giới dành cho giới trẻ, các thông tin về các nhóm nhạc đang nổi như Boyz II Men, Take That, Backstreet Boys, NSYNC và Westlife. Các trai xinh gái đẹp phương Tây chiếm lĩnh trang bìa lúc đó đã gây ra những tranh luận về định hướng tờ báo và không ít độc giả yêu thích văn chương đơn thuần đã bày tỏ sự tiếc nuối… Thế nhưng, khi độc giả thay đổi, tờ báo cũng thay đổi. Hoa Học Trò không thể tách rời khỏi đời sống giới trẻ toàn cầu khi đã xuất hiện một lớp độc giả mới hướng ra thế giới. Tất nhiên, các bài viết về kỹ năng sống, cổ súy sự học đã dày dặn thêm, thể hiện gương mặt năng động của giới trẻ Việt thời buổi hội nhập. Lúc này, cộng tác viên của Hoa Học Trò đa số là học sinh trung học và sinh viên, khá ngoại ngữ và thích tìm tòi cái mới. Đa số các em sau đó đã đi du học và đều thành công ở vị trí công tác của mình. Ban Đại diện phía Nam cho đến nay vẫn đóng góp nhiều cây bút năng động cho tòa soạn.
Hoa Học Trò hôm nay đã có thêm bản online, đội ngũ thực hiện trẻ trung, nhiệt huyết, năng động, đồng hành cùng lớp độc giả mới, lớp độc giả giỏi ngoại ngữ, tham gia mạng xã hội và đi du lịch khắp nơi. Cho dù thời thế thay đổi, tôi tin những điều tờ báo từng mong muốn mang đến cho các độc giả tuổi mới lớn như: trưởng thành một cách đàng hoàng, sống nhân văn, vào đời đầy tự tin… vẫn còn giá trị.