Dưới sự định hướng và dẫn dắt của các cây bút tâm huyết với văn thơ trẻ như nhà báo Nguyễn Như Mai, Phạm Công Luận, một thế hệ bút mới được phát hiện và tập hợp trong một không gian chung do Hoa Học Trò thiết kế - Hội bút Hương Đầu Mùa. Từ những số báo khổ lớn đầu tiên cho đến định dạng quen thuộc hôm nay, bên trong hàng trăm ngàn những trang báo ấy đã ghi lại hành trình xuất hiện, được vun đắp và phát triển của rất nhiều cây bút thơ văn từ khắp mọi miền: Nguyễn Vĩnh Tiến, Đặng Thiều Quang, Đàm Huy Đông, Ngô Thị Phú Bình, Nguyễn Phương Mai, Hoàng Dạ Thi, Lê Thị Thu Thủy, Bình Nguyên Trang, Dương Bình Nguyên, Hải Miên...
Khởi đi từ những rung động, xúc cảm đầu đời, theo thời gian, các cây bút hướng đến chủ đề trưởng thành hơn. Nhiều cây bút trẻ đã có tác phẩm giành giải thưởng trong các cuộc thi văn học uy tín...
Hoa Học Trò khi trưởng thành hơn đã hướng đến những vấn đề người Việt trẻ đặc biệt quan tâm: cơ hội học tập, khả năng hội nhập, làm thế nào nhận diện bản thân và bồi đắp các giá trị nhân văn... Tuổi mới lớn được gọi bằng một từ giờ đây đã rất quen thuộc: tuổi teen. Những vấn đề hấp dẫn, từ du học đến phong cách sống, các quan niệm mới về hạnh phúc và tình yêu cho đến các lựa chọn trưởng thành đều được đề cập.
Từ Hoa Học Trò, các thế hệ tác giả có thể tự hào nói rằng: Đi cùng tờ báo, mỗi chúng tôi đã viết nên câu chuyện của chính mình và của thế hệ mình.
Internet ra đời cùng mạng xã hội trở thành không gian mới của người trẻ Việt. Hoa Học Trò chia sẻ với độc giả cách tiếp nhận và học hỏi từ môi trường số, đồng thời mở ra góc nhìn thuyết phục: Càng đi sâu vào thế giới mạng và phương thức giao tiếp mới, ta càng cần gìn giữ các giá trị nhân văn gốc rễ như tình yêu quê xứ, tình cảm gia đình, lòng yêu thương con người. Một thế hệ viết trẻ được hình thành trong giai đoạn này, với giọng văn thông minh, hóm hỉnh, sắc bén mới mẻ nhưng cũng không kém phần lãng mạn và sâu lắng như Minh Nhật, Băng Giang (Fuyu), Nguyễn Tuấn Đức, Phạm Thị Hoài Anh (A in A)... Bên cạnh báo giấy, sáng tác của những cây bút mới lan tỏa trên các trang mạng. Một lần nữa, những người viết trẻ đã cùng tờ báo luôn hiện diện bên bạn đọc thế hệ Y và Z.
Không tự giới hạn ở lãnh địa báo chí, từ cuối thập niên 2000, những cuốn sách, đặc san do Hoa Học Trò thực hiện tạo dấu ấn đậm nét trong lòng độc giả trẻ. Một số thể loại văn học lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, do tác giả Việt sáng tác, được đầu tư công phu. Các bộ ba fantasy, bộ ba sci-fi của nhà văn Phan Hồn Nhiên với hình thức mỹ thuật hiện đại của họa sĩ Phan Vũ Linh, Kim Duẩn... mở ra hướng đi cho những dòng sách nối tiếp. Đây chính là bước tiến đặc biệt, khi văn học chinh phục người trẻ bằng cách tạo ra các thế giới, chứ không chỉ ánh xạ lại thế giới. Độ phủ sóng sách thương hiệu Hoa Học Trò giờ đây đã vượt qua biên độ lứa tuổi hay thể loại, với nhiều tựa sách giáo dục - hướng nghiệp (nổi bật là Tủ sách Gõ cửa tương lai với những đầu sách bán chạy như Nước Mỹ trong tầm tay, Học gì để dẫn đầu…), kỹ năng, kiến thức, giải trí, sách công cụ, không chỉ dành cho tuổi teen mà cả độ tuổi nhỏ hơn, như các bộ truyện tranh Lớp học mật ngữ, Bé Nấm Lùn...
Với nhiều độc giả hôm nay đã bước vào tuổi trung niên, những tác giả giờ đây đã thành danh trong lĩnh vực văn chương hay làm báo, những người viết trẻ đang hăm hở khẳng định trên địa hạt chữ nghĩa, cái tên Hoa Học Trò mang ý nghĩa của hoài niệm và ghi ơn đặc biệt. 30 năm kỷ niệm như một cuộc tôn vinh các giá trị của tuổi trẻ, tôn vinh những trang viết đã nuôi dưỡng đời sống tinh thần. Thời gian đã đủ độ lùi để ghi nhận Hoa Học Trò từ một sân chơi trở thành bệ phóng quan trọng cho nhiều thế hệ viết, bằng cách ủng hộ cách tiếp cận mới, khuyến khích sự tìm tòi, chấp nhận các cá tính khác nhau trong sáng tạo. Đây chính là một trong những giá trị chiều sâu mà Hoa Học Trò đã làm được.
30 năm, hành trình trưởng thành với nhiều dấu ấn, đến hôm nay vẫn khát khao trải nghiệm và hứa hẹn bước tiến không ngừng. Từ Hoa Học Trò, các thế hệ tác giả có thể tự hào nói rằng: Đi cùng tờ báo, mỗi chúng tôi đã viết nên câu chuyện của chính mình và của thế hệ mình. Hôm nay nhìn lại, chúng tôi gọi đây là hành trình của tuổi trẻ tươi đẹp và thật đáng sống.