Lí do trường chuẩn rớt hạng

Tại Hà Nội, các quận huyện đều đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi đầu tư trường học đạt chuẩn quốc gia. Thực tế này cho thấy, chỉ tiêu đề ra có thể đạt song nhiều khả năng không đúng thực chất.

Nhiều trường chuẩn quốc gia phải đối mặt với sức ép sĩ số học sinh gia tăng

Nhiều trường chuẩn quốc gia phải đối mặt với sức ép sĩ số học sinh gia tăng

Xây trường mới khó theo kịp tăng dân số

Bà Lưu Thị Bích Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Long Biên cho biết, là một trong những quận luôn giữ vững tỷ lệ trường học đạt chuẩn, trước tình trạng mỗi năm quận tăng 2.500-3000 học sinh thì việc làm tốt công tác điều tra, từ đó tham mưu UBND quận để mở rộng trường, xây thêm phòng học theo hướng chuẩn hóa là yếu tố rất quan trọng. 

Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có thể thực hiện được theo cách này. Huyện Thanh Trì là đơn vị dẫn đầu trong số các huyện ngoại thành về tỷ lệ trường đạt chuẩn nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ vượt sĩ số học sinh/lớp theo quy định chuẩn quốc gia. Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết: “Thanh Trì có 3 khu đô thị, tương đương với 3 xã. Riêng khu đô thị Đại Thanh đã có khoảng 20.000 dân khiến số lượng học sinh tăng, gây áp lực cho các trường học. Chúng tôi đã kiến nghị khi xây dựng khu đô thị phải có trường học. Tuy nhiên, hiện khu đô thị Đại Thanh mới chỉ có 1 trường mầm non tư thục, dù trong quy hoạch có đủ các cấp học”- ông Lê Đình Hùng cho biết. 

Về đầu tư trường chuẩn quốc gia, ông Thế Minh Khôi, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đan Phượng cho biết: “2 năm gần đây, việc đấu giá quyền sử dụng đất rất chậm, thậm chí đóng băng, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng trường chuẩn”. Trong khi đó, huyện Phú Xuyên đăng ký 5 trường chuẩn trong năm 2014 nhưng chưa hoàn thành trường nào. Vấn đề của huyện này là cơ sở hạ tầng yếu kém, nhiều điểm trường manh mún và ngân sách hạn chế. 

Được chuẩn mới lo mất chuẩn cũ

Hiện nay, Hà Nội đang gặp không ít khó khăn khi các trường đạt chuẩn từ năm 2009 về trước đã hết hạn, phải công nhận lại nhưng không đủ tiêu chí. Nguyên nhân một số trường “mất chuẩn” là do không duy trì được sĩ số như ở thời điểm công nhận chuẩn. Sĩ số tăng nhanh cũng khiến một số trường phải dùng các phòng học chức năng, thực hành để làm phòng học, hoặc xây thêm phòng học, khiến diện tích sân chơi, bãi tập bị co hẹp. 

Ông Nguyễn Hồng Quang - Hiệu trưởng trường THPT Chương Mỹ A cho biết: "Trường được công nhận đạt chuẩn từ năm 2006. Từ đó tới nay, các phòng học bộ môn, thư viện được cải tạo từ các phòng học nên không đảm bảo các tiêu chí theo quy định của Bộ GD-ĐT. Hiện trường vẫn còn khu phòng học cấp 4 đã xuống cấp, nguy cơ không đảm bảo an toàn...”. Sau 8 năm chưa đánh giá lại, hiện nay, trường THPT Chương Mỹ A đang trong quá trình sửa chữa, cải tạo lại với tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng, song dự án dang dở vì thiếu vốn. Vì thế, trường phải xin chưa đánh giá lại tiêu chí trường chuẩn.

Ông Trần Công Thành, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Xuyên cho biết, huyện có 12 trường chuẩn trước năm 2009. Hiện đã được công nhận lại 6 trường, còn 6 trường chưa được công nhận lại vì phải bổ sung, sửa chữa. Huyện Đan Phượng cũng có 23 trường trong diện phải công nhận lại chuẩn, trong đó có 9 trường phải chờ đầu tư bổ sung do xuống cấp. Theo ông Trần Công Thành, với những địa bàn khó khăn, nếu cứ tập trung vào xây dựng trường chuẩn mà không quan tâm nâng cấp cho những trường chưa đạt chuẩn thì sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng chất lượng giáo dục. “Chúng tôi mong Sở GD-ĐT tham mưu thành phố đầu tư ngân sách nâng cấp trường học ở những vùng miền khó khăn. Hiện chúng tôi còn có hơn 200 phòng học nhờ, học tạm” - ông Thành cho biết. 

Thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, toàn thành phố có 434 trường chuẩn đã được công nhận từ năm 2008 trở về trước. Qua rà soát, thẩm định lại, chỉ có 284 trường đạt yêu cầu theo các tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Hiện đã có 89 trường được UBND TP ra quyết định công nhận lại, số còn lại đang hoàn thiện hồ sơ, trình UBND TP xem xét từ nay tới cuối năm. Hà Nội đang có 901 trường trong tổng số 2.047 trường học đạt chuẩn quốc gia.

Theo Theo An ninh Thủ đô
MỚI - NÓNG