Lí do khiến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp gần 100%: Có nên giữ kỳ thi THPT?

Thí sinh xem lại bài sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014
Thí sinh xem lại bài sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014
Với cách thức xét tốt nghiệp như cách của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp gần 100% là trong dự đoán của dư luận xã hội.

Cho đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã chính thức công bố kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2014. Theo đó, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 98, 99 và gần con số tuyệt đối 100% là kết quả được nhiều tỉnh, thành và trường học đề cập đến. Không chỉ có hệ THPT mà tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hệ Giáo dục từ xa (GDTX) cũng tăng mạnh so với năm 2013.

Kết quả trên không nằm ngoài dự đoán của các giáo sư, những nhà nghiên cứu cũng như dư luận xã hội.

Tuy nhiên, điều mà chúng ta băn khoăn, lo lắng là với tỷ lệ như trên thì liệu rằng, một kỳ thi quốc gia như thế này đã phản ánh đúng quá trình giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh hay không? Và liệu kỳ thi này đã thực sự nghiêm túc, đủ tin cậy để Bộ GD-ĐT lấy đó làm căn cứ để xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ hay chưa?

Đây không phải là năm đầu tiên, kết quả và tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT được cảnh báo. Từ nhiều năm nay, dư luận xã hội đã lên tiếng rằng, kinh phí tổ chức một kỳ thi quốc gia khá tốn kém mà kết quả lại phản ánh không thực chất việc giảng dạy và học tập thì tốt nhất là nên bỏ.

Thế nhưng, tham vấn cho Chính phủ, Bộ GD-ĐT vẫn cương quyết cho rằng, không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà nên đổi mới kỳ thi này sao cho “nghiêm túc, công bằng và thực chất”. Đây cũng là bước đi đầu tiên của ngành Giáo dục trong lộ trình đổi mới thi cử để tiến tới lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ trong tương lai theo như Nghị quyết 29 -NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo.

Để thực hiện nhiệm vụ của mình, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi này từ khâu tổ chức, coi thi và cả chỉ đạo các Sở GD-ĐT, trường học thực hiện tốt việc chấm điểm và đánh giá học sinh bằng phần mềm.

Kỳ thi cũng được bố trí với hàng nghìn cán bộ coi thi, công an, hàng chục đoàn thanh tra đi kiểm tra và bảo vệ kỳ thi. Thậm chí, một số Hội đồng chỉ có vài thí sinh dự thi vẫn được bố trí đầy đủ cán bộ coi thi. Điều đó được chứng minh như tại Hội đồng thi trường THPT Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội chỉ có 1 thí sinh dự thi môn Lịch sử nhưng có tới 18 cán bộ coi thi.

Những bằng chứng trên cho thấy, ngành Giáo dục đã thực hiện đúng cam kết để đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc.

Thế nhưng, trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi, những tiêu cực, sai phạm tại một số hội đồng thi như tại trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội và Hội đồng thi trường THPT Trưng Vương, Văn Lâm, Hưng Yên hay một số hình ảnh, video clip nghi sai phạm tại Hội đồng thi trường THPT Nam Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã cho thấy, kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa thực sự nghiêm túc.

Những sai phạm trên chỉ là phần nhỏ giải thích cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay cao ngất ngưởng. Điều quan trọng là với phương thức xét tốt nghiệp bằng việc sử dụng kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (theo trọng số đánh giá là 50%+50%) thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp gần cán mốc 100% là không nằm ngoài dự đoán.

Năm nay, Bộ GD-ĐT đưa ra quy định mới là giảm môn thi tốt nghiệp THPT từ 6 môn xuống còn 4 môn, ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, còn lại 2 môn do thí sinh tự chọn. Sự thay đổi này đã giúp thí sinh giảm áp lực thi cử và chọn được những môn mình yêu thích để đạt kết quả cao. Tuy nhiên, với sự đổi mới này có thể dẫn đến tình trạng học sinh “học tủ, học lệch” trong cả quá trình học THPT. Vì vậy, việc xét tốt nghiệp dựa vào kết quả cả quá trình học tập chưa chắc đã đảm bảo đúng thực chất việc học tập của học sinh.

Nếu như cách xét tốt nghiệp như mọi năm thì học sinh phải đạt ít nhất là 5 điểm/môn thì mới đỗ tốt nghiệp. Nếu thi 4 môn mà chỉ đạt 19 điểm thì học sinh đó coi như không đỗ tốt nghiệp.

Còn như quy định mới được công bố từ phía Bộ GD-ĐT, nếu điểm trung bình của 4 môn thi chỉ có 4 điểm, nhưng điểm kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 là 6 điểm. Tổng cộng lại là 10 điểm/2 thì học sinh đó có điểm trung bình là 5 điểm sẽ vẫn đỗ tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện lớp 12 thường được các thầy, cô giáo chấm một cách rộng rãi. Nếu học sinh nào kết quả học tập học kỳ I kém thì có thể sang học kỳ II đều được các thầy, cô “thương” cho điểm cao lên để các em có thể đỗ tốt nghiệp THPT.

Điều đáng đề cập là với cách thức xét tốt nghiệp THPT như trên, Bộ GD-ĐT đã thực sự đảm bảo rằng, các địa phương, trường học và giáo viên chấm đúng điểm học tập của học sinh trong suốt quá trình học của lớp 12 hay chưa?

Với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở nhiều địa phương gần cán mốc 100% và gần như nhau thì câu hỏi đặt ra là chúng ta có nên giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa hay không? Nếu giữ kỳ thi này, thì những gì ngành Giáo dục cũng như giáo viên, học sinh và phụ huynh đang thực hiện liệu có thể thay đổi diện mạo một kỳ thi quốc gia nói riêng và thực trạng nền giáo dục hiện nay được hay không?

Theo Theo VOV
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.