Lênh đênh những phận đời

Những phận đời di động trên sông Lam. Ảnh: Việt Hương
Những phận đời di động trên sông Lam. Ảnh: Việt Hương
TP - Nổi trôi trên dòng Lam từ đời này sang đời khác, nhiều gia đình bám sông nước để mưu sinh. Những chiếc thuyền bé tẹo vẫn ngày đêm xuôi ngược hàng chục cây số mỗi ngày, cưu mang các gia đình nghèo sống qua nhiều thế hệ.

Nghèo truyền kiếp

Sông Lam dài khoảng 512km, chảy qua địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn; đi giữa các huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên, thành phố Vinh (Nghệ An) rồi xuôi Đức Thọ, Nghi Xuân trước khi đổ ra vịnh Bắc Bộ ở Cửa Hội.

Những phận đời đang ngày đêm bám trụ trên dòng sông Lam lại chính là những người trước đây vì quá nghèo khổ mà bỏ dòng sông, phiêu bạt sang Thái Lan, sang Lào kiếm sống. Nơi đất khách quê người xem chừng khó giữ nổi những thân phận vừa nghèo lại mù chữ ấy, nên cuối cùng họ cùng nhau về lại với dòng sông Lam. Nơi đây, cái ăn được tính theo ngày, làm ngày nào ăn ngày đó, tất thảy đều từ bàn tay trắng, cái nghèo đeo bám họ qua nhiều đời…

Ông Phạm Thanh Hồng, 55 tuổi ngụ tại xóm 1A, xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên – Nghệ An) kể: “Tui đã đến tuổi lưng còng, con cái nghèo theo cha mẹ, nên quanh năm chỉ biết bám trụ trên dòng sông Lam này để kiếm sống. Lên bờ rồi nhưng không có công ăn việc làm, cộng thêm mù chữ thế là cả gia đình quay xuống sông mà kiếm kế sinh nhai, chứ biết làm sao!”. Gia đình ông Hồng gồm có 7 người, cha mẹ với 5 người con, sống chen chúc trên một con thuyền nan chiều dài chưa đầy 5m, chiều ngang chỉ khoảng 1m. “Tui bị chứng chóng mặt, sau mỗi đêm ngủ dậy trên đò thì cứ như người bị say sóng. Còn con cái thì khỏi nói, lớn nhỏ gì cũng lúc nhúc ở đây rồi thay nhau thả câu xuyên đêm trên sông mới mong ngày hôm sau có cái để ăn được”, vợ ông Hồng tiếp lời.

Hưng Nguyên là một huyện đồng bằng tả ngạn sông Lam, nơi con sông uốn khúc, bao bọc gần toàn huyện. Các xã Hưng Xá, Hưng Long, Hưng Lĩnh… đều là những xã có cư dân làng vạn bám với nghề chài lưới quanh năm mà sống. “Tui nỏ nhớ là có bao nhiêu năm lênh đênh chốn sông nước này nữa. Cứ đưa ngón tay ra mà tính: Đời ông, cha, con và nay là cháu chúng tôi cũng chỉ biết “nhân giống” thêm những con đò nhỏ này lên như một ngôi nhà và bám lấy nó mà sống. Rời đò là đói, cái nghèo nó truyền kiếp theo chúng tôi vậy”, ông Trần Đăng Lực chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Đô, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên cho biết: “Toàn xã có khoảng 15 hộ dân vạn đò sông Lam thì gần như đã có đất và nhà ở trên bờ. Tuy nhiên, họ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, lại mù chữ nên dù có nhà trên bờ họ cũng quay lại sống trên sông để hành nghề chài lưới. Địa phương tạo mọi điều kiện quan tâm tới những trường hợp này, nhưng vì nghèo không có điều kiện cho con ăn học thế nên mù chữ. Mù chữ xin việc không ai nhận, họ lại quay về sống lay lắt trên sông Lam”.

Hằng năm, mỗi mùa mưa lũ về nước sông Lam dữ dằn, ngầu đỏ. Mưa xối xả, gió thổi bạt thuyền nhưng những mảnh đời phiêu dạt vẫn cứ chèo chống con đò nhỏ bấp bênh theo dòng chảy ngược xuôi để tìm nguồn sống. Nước dùng họ lọc từng giọt từ nguồn nhiễm bẩn từ dòng Lam. Có được bát cơm phải thấp thỏm bấp bênh theo con nước. Còn rau canh, đa phần từ môi trường hoang dại mà nhặt nhạnh. “Nghèo vẫn hoàn nghèo, chèo đò bắt cá mành manh này biết chừng nào cho hết khổ được”, lời chị Nguyễn Thị Mến cứ quặn lòng người nghe.

Cơm áo chặt ngang con chữ

Sông Lam, đoạn chảy qua địa bàn các xã huyện Nam Đàn kịp “thu nhận” hàng chục hộ dân vạn đò. Hầu hết những hộ dân này đều sống hai đến ba thế hệ trên một con đò nhỏ khoảng từ 5-7 nhân khẩu trong gia đình. Em Trần Văn Sơn, 17 tuổi tâm sự: “Em lớn tướng thế này nhưng lên bờ theo bạn xin vào công ty làm công nhân họ không nhận vì em không biết chữ. Ngày, em đi bốc vác thuê cho các hàng buôn ở chợ, đêm về lại đò thả lưới đánh cá để mai cho mẹ mang đi bán. Em chỉ mong được đi học cho biết chữ rồi dừng lại cũng được”.

Gia đình bà Tạ Thị Yến ngụ tại xóm 1A, xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên) có tới 7 nhân khẩu nhưng chỉ hai đứa con út của bà biết chữ vì đang được đi học theo chính sách miễn giảm bậc tiểu học. Bà Yến nói: “Bố mẹ đều mù chữ, các con lớn cũng không được đi học. Cái ăn qua ngày còn phải chạy đôn chạy đáo, nói chi tiền học cho con”. Khoảng 5 năm lại đây, nhu cầu của con em làng vạn đò thiết thực hơn trong việc đến trường học chữ. Tuy nhiên, vẫn với tâm lý học để biết nhận mặt chữ rồi dừng, chứ hầu hết họ không có khát vọng cho con học lên để thay đổi số phận. Cái nghèo ám cả giấc mơ. Ông Trần Văn Quang 45 tuổi chia sẻ: “Tui chỉ có hai đứa con biết chữ bởi nó được đến trường. Tuy nhiên, vài năm nữa tui cũng cho nó nghỉ học rồi vào Nam mà tìm việc làm chứ sống sao được trên cái đò nhỏ này cả đời như ông cha chúng được”.

Bên cạnh đó, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn lại quanh năm lênh đênh sông nước vào đụng ra chạm nên việc sinh đẻ không theo kế hoạch (mỗi cặp vợ chồng vẫn sinh 4-6 đứa con). Vòng luẩn quẩn đông con, đói nghèo, thất học cứ thế dài mãi.

Mờ mịt

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 600 hộ dân vạn đò cư trú dọc các con sông, chủ yếu là sông Lam và tập trung nhiều ở các huyện như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương và Anh Sơn.

Lênh đênh những phận đời ảnh 1

Thứ quý giá nhất trong ngôi nhà di động của dân làng vạn chính là giàn câu này

Một góc xóm Chài ở xã Phúc Sơn (Anh Sơn) cuộc mưu sinh bao đời nay gắn liền với sông nước. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay, sông suối bắt đầu có dấu hiệu ô nhiễm bởi nạn khai thác khoáng sản bừa bãi phía thượng nguồn; áp lực về tăng dân số tại các xóm chài vẫn tiếp diễn… Và có lẽ vì thế mà cá, tôm mỗi ngày một hiếm. Những người dân làm nghề chài lưới vốn đã bấp bênh nay lại càng bấp bênh hơn. Những con đò chật chội, mỏng manh, nơi che mưa tránh nắng của họ luôn bị đe dọa mỗi khi giông về, bão đến…

Ông Trần Thanh Quang kể lại: “Cách đây 2 tuần, tui và con trai 14 tuổi đang thả lưới giữa sông thì giông ập tới, quật tơi bời nên cả hai cha con nhảy bùm xuống sông giữa đêm đen, rồi gồng mình ngụp lặn để kéo con đò vào bờ kịp tránh gió. Trên “nhà”  còn có cháu nhỏ vừa mới sinh được mấy tháng, cả nhà thót tim…”.

Cùng cảnh ngộ, bà Tạ Thị Yến cầm trên tay 15.000 đồng xoa đi, vò lại rồi ngậm ngùi: “Nói thật là cả đêm bố con nó thức trắng mà sáng ra chợ về chỉ được chừng này thôi. Giờ chúng tôi lại chèo đò thêm một vòng nữa rồi mới ra chợ kiếm đồ ăn trưa”. Dẫn theo con đường tự phát, băng qua cánh đồng điệp trùng để ra bờ sông Lam, nơi có tới 9 con đò của dân làng vạn trầy trật, vất vả.

Tại đây, khoảng tầm 8h sáng thì người dân vạn đò đã quay về đò sau khi đi chợ sớm. Trên tay họ chỉ có bó rau muống,vài lạng thịt và một xách bún cùng với gói mắm tôm nhỏ cho bữa ăn giữa buổi để tiếp tục chắt chiu những sản vật dòng Lam. Ông Phạm Thanh Hồng nói: “Chiếc đò này đã theo gia đình tui 10 năm rồi. Để chống nước phun lên từ đáy, tui đã mua xi măng về trét hết phần khoang nên nó nặng hơn, không dám ra giữa sông, nên chỉ bắt ven bờ loài tép, tôm, cá vụn. Để gom tiền mua con đò mới nó chỉ là giấc mơ thôi”.

Lênh đênh những phận đời ảnh 2 5 nhân khẩu trên một chiếc đò như thế này
 “Dân làng vạn cơ bản rất nghèo. Chính sách hỗ trợ dành cho hộ nghèo và cận nghèo cũng chưa thể giúp họ khá lên được. Họ vẫn giữ thói quen canh tác đánh bắt với nghề chài lưới ven sông, khó từ bỏ hoàn toàn được”, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên, ông Nguyễn Văn Đô nói.

Rời xóm chài trong ngổn ngang tâm trạng, cảm xúc. Trên những con đò nhỏ chừng 5m2 ấy có những ánh mắt xa xăm, những ước mong về cuộc sống đủ đầy. Vọng đâu đó câu hát “Dòng sông Lam vẫn chảy, cuộc sống xóm chài vẫn mãi quẩn quanh…”, sao mà ám ảnh.

Tại xã Nam Lộc (Nam Đàn – Nghệ An) trước đây có khoảng gần 100 hộ dân xóm chài, nhưng nay hầu hết được chính quyền bố trí đất ở tại khu tái định cư mới để ổn định sinh sống. Tuy nhiên, vẫn với thói quen cũ, người dân xóm chài không thể tìm được việc làm trên bờ để ổn định cuộc sống nên số đông bà con nơi đây quay lại với cuộc sống sông nước, bấp bênh với con đò nhỏ.

MỚI - NÓNG