'Tỷ phú ve chai' trở lại Sài Gòn mưu sinh

Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, người ve chai nhặt được 5 triệu yen đã trở lại Sài Gòn mưu sinh. Ảnh: Trường Nguyên
Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, người ve chai nhặt được 5 triệu yen đã trở lại Sài Gòn mưu sinh. Ảnh: Trường Nguyên
Một tháng sau khi về quê thu xếp chuyện gia đình, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, người ve chai nhặt được 5 triệu yen đã trở lại Sài Gòn tiếp tục mưu sinh với nhiều dự định mới.

Chị Ánh Hồng (36 tuổi, quê Quảng Ngãi, ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cho biết, gia đình đã vào Sài Gòn khoảng 1 tuần và đang dần ổn định cuộc sống trở lại. Ở quê, nhiều người biết chị có được số tài sản lớn nên gửi thư, điện thoại đến xin hỗ trợ. Được gia đình tư vấn, chị đã giúp đỡ một số nơi.

Về quê được một tháng, vợ chồng chị ve chai bỏ tiền sửa nhà cho 2 bên nội ngoại, chia sẻ "lộc trời" với người thân.

Vừa đặt chân vào Sài Gòn, vợ chồng chị ve chai liền đẩy chiếc xe ba gác đi mua phế liệu. Người phụ nữ may mắn nở nụ cười chia sẻ, xa chiếc xe mua ve chai thấy nhớ vì đã gắn bó hơn 17 năm. Ngoài ra, nếu nghỉ lâu quá thì mất hết mối.

"Trước đây cuộc sống nghèo khó, vợ chồng tha phương cầu thực, con cái để ở quê. Ông bà đã già, cũng phải lam lũ mưu sinh, ít có thời gian chăm cháu nên chúng học hành giảm sút. Đợt này, vợ chồng tôi quyết định đưa 2 con vào Sài Gòn để chúng được chăm sóc, ăn học đàng hoàng hơn", chị ve chai "triệu phú" chia sẻ.

Thực hiện dự định, chị thuê căn nhà giá 2,5 triệu/tháng cho gia đình chung sống, 2 con có nơi ăn ở đàng hoàng. Phần gác rộng thì cho 3 sinh viên thuê trọ để giảm chi phí.

Trong những ngày này, anh Vương (chồng chị Hồng) đi hỏi thủ tục, giấy tờ xin cho 2 con nhập học tại ngôi trường gần nhà.

'Tỷ phú ve chai' trở lại Sài Gòn mưu sinh ảnh 1 Sau một ngày mua ve chai cực nhọc, gia đình chị ve chai may mắn quây quần vui vẻ bên nhau. Ảnh: Trường Nguyên.
Chị Hồng để dành khoản tiền gửi ngân hàng lấy lãi và sắm chiếc xe máy cho anh Vương chạy mua đồ cũ bán kiếm lời. Có nhà rộng rãi, chị bỏ tiền mua lại phế liệu của các chị em đồng nghiệp để phân loại rồi bán cho chủ vựa.

Nhiều đồng nghiệp trêu: "Hồng giờ thành chủ vựa rồi đó". Chị ve chai cười ngượng ngùng: "Chủ gì đâu, tôi mua lại của chị em, bỏ công phân loại rồi để ở nhà, khi nào nhiều thì mang bán. Hai vợ chồng không biết chữ thì làm sao tính toán sổ sách".

Chị chia sẻ, nghề ve chai bây giờ gặp nhiều khó khăn vì người làm đông, giá hàng lên xuống liên tục. Ngày "trúng mánh" thì kiếm được 100.000-150.000 đồng, hôm ế thì vài chục nghìn nên cuộc sống bấp bênh.

Chị hy vọng, số tiền hơn 1 triệu yen còn lại sớm được ngân hàng đổi để có thêm vốn làm ăn và lo cho cuộc sống gia đình.

"Vợ chồng tôi nghèo khó, không được học hành nên phải xa quê, lam lũ. Nay nhận được lộc trời, mong muốn lớn nhất là cố gắng làm lụng, chi tiêu tiết kiệm để dành tiền lo cho con ăn học thành tài", chị ve chai nói.

Trước đó, vào chiều 2/6, chị Hồng cùng người tư vấn pháp lý là luật sư Hà Hải đã đến Công an quận Tân Bình nhận quyết định bàn giao lại số tiền hơn 5 triệu yen mà chị tìm thấy trong một thùng loa cũ.

Sau đó, chị ve chai đến ngân hàng đổi 4 triệu yen Nhật được gần 700 triệu đồng. Còn hơn 1 triệu yen hư hỏng, ngân hàng đã chuyển sang Nhật đổi giúp.

Nhận được tiền, người phụ nữ may mắn đi mua gạo cùng nhiều vật dụng làm từ thiện cho Hội người mù và trẻ em bất hạnh. Thực hiện xong mong ước chia sẻ may mắn của mình đến với người khó khăn, chị cùng chồng về quê Quảng Ngãi thu xếp chuyện gia đình.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Nhập viện vì tự làm bác sĩ
Nhập viện vì tự làm bác sĩ
TP - Gần đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận, điều trị nhiều ca bệnh nhiễm độc cấp nặng liên quan việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các loại thuốc được mua trên mạng, không được kiểm chứng.
Tình quân dân, nghĩa đồng bào
Tình quân dân, nghĩa đồng bào
TPO - Trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, nước sông Cầu dâng cao gây ngập nhiều khu vực dân cư ven sông thuộc thành phố Thái Nguyên. Theo thống kê, có 17 xã, phường của thành phố nằm ven sông bị ngập sâu, nhiều khu vực bị cô lập.