>> Tết này, mua quà gì 'sang' nhất?
Không biết bao nhiêu cây đào đá đã bị chặt tận gốc. Ảnh: Phan Sáng. |
Ông Lỳ Bá Chò, ở vùng Nậm Cắn, Kỳ Sơn tâm sự: Trước đây, đào đá mọc khắp nơi, thấy loài hoa đẹp, bà con đi rừng đưa giống cây về trồng trong vườn nhà, chẳng ai tính toán chuyện kinh doanh hay mua bán. Mấy năm gần đây, loài đào rừng này hiếm dần thì lại rộ lên thú chơi đào đá. Mới đầu tháng chạp đã thấy nhiều mối lái đi khắp bản làng Kỳ Sơn để tìm mua đào đá.
“Nhà tôi cũng có đào đá, hai gốc đào này trồng được gần 10 năm, nay thấy khách dạm mua, tôi bán hơn 5 triệu đồng cả 2 gốc. Người mua tôi không nhớ rõ tên tuổi, chỉ biết người dưới thị trấn Mường Xén lên. Họ xin đặt cọc trước 1 triệu đồng, cận tết mới lên chặt và cho xe chở về”, ông Chò nói.
Trước đây, dọc theo QL7A lên tận cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đoạn qua Kỳ Sơn, mỗi khi mùa xuân về người ta lại thấy đào đá nở trắng hai bên đường. Vài ba năm trở lại đây, vì thú chơi đào đá phát triển mạnh ở miền xuôi nên đào dần vắng bóng.
Chiều 23-1, tại Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, đào đá được bày bán với giá cao nhất 15 triệu đồng, cành bình thường hơn 10 triệu đồng, rẻ cũng phải 4-5 triệu đồng. |
Một cán bộ huyện Kỳ Sơn nói rằng, thấy thú chơi đào đá của người miền xuôi ngày một đông, một số cán bộ huyện, giáo viên… cũng rủ nhau buôn đào đá.
Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó hiệu trưởng một trường THPT ở huyện Kỳ Sơn, tâm sự: Mỗi dịp Tết đến, ông tranh thủ đi khắp các bản làng tìm đào đá để đặt mua trước, đến ngày nghỉ, vợ chồng ông thuê hẳn chuyến xe tải chở đào về TP Vinh bán kiếm lời. Theo ông, một gốc đào mua ở Kỳ Sơn giá 1 triệu đồng, mang về xuôi bán có khi được 3-4 triệu đồng. Ngày trước săn đào rất dễ, nhưng năm nay, khá khó.
Anh Nguyễn Tiến, nguyên cán bộ huyện ủy Kỳ Sơn, xót xa: “Ngày còn công tác ở Kỳ Sơn, đi thăm nhiều bản làng thuộc khu vực biên giới Kỳ Sơn, dịp đầu xuân đi tới đâu cũng bắt gặp đào đá được đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú trồng trong vườn rất đẹp. Chỉ vài ba năm sau quay trở lại, chẳng còn thấy đào đá trước đây đâu nữa. Hỏi ra mới biết, hai năm nay các đầu nậu đi mua đào đá quá nhiều và mua với giá cũng kha khá nên bà con không thương tiếc mà để cho khách chặt tận gốc cây đào nhà mình”.
Từ lúc trồng cho đến khi ra hoa phải mất 5 đến 10 năm đối với khu vực đất tốt. Có gốc đào gần 50 tuổi mới có vụ hoa đầu tiên. Vì thế, khi chặt tận gốc đào, ít nhất 5 năm sau cây đào đá mới có thể tốt và ra hoa trở lại. Nay đào đá hiếm dần, một số đầu nậu sang tận các bản làng của tỉnh Xiêng Khoảng để mua đào về bán cho thượng đế chơi Tết.