BẢO NINH: “Lê Văn Nghĩa viết chân thành từ đời sống bản thân”
Anh Nghĩa là lứa sinh viên Sài Gòn thời kỳ trước 1975 tham gia phong trào sinh viên đấu tranh chống Mỹ Thiệu nhưng anh ấy lại ít viết về những chuyện đấy.
Thú thực tôi cảm thấy khi viết về miền Nam trước 1975 người ta hay mô tả mọi thứ theo hướng không phải bôi đen nhưng làm cho nó hơi nặng nề, dẫn đến cách viết của nhiều cuốn sách đem lại cho người đọc cảm giác phi lý. Làm cho người lớn lên ở miền Bắc như tôi đọc cảm thấy cũng không hợp lý.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa và độc giả học sinh. Ảnh: Ngô Công Trung |
Đọc sách của anh Nghĩa tôi rất thích cách anh ấy viết chân thành từ thực tế đời sống của bản thân. Nó… bình thường giống như tôi với ông đi học vậy thôi. Chứ anh ấy không khiên cưỡng buộc đám thanh niên của lớp anh ấy phải trở thành các nhà cách mạng trẻ tuổi. Người dân miền Nam sống cuộc sống của họ. Tôi vốn có cảm tình với người ở TPHCM nhưng cũng không hiểu họ nhiều lắm. Qua những gì anh Nghĩa viết, tôi càng thích người miền Nam.
Từ khoảng 2018 đến nay người ta có xu hướng tìm lại những cái hay trong văn học miền Nam. Ngày trước đụng đến bất kỳ nhà văn nào của miền Nam cũng không đơn giản. Họ bị gọi là “bồi bút”. Tất nhiên quan niệm của thời kỳ ấy nó khác. Hôm 30/4/1975 các nhà văn Sài Gòn tự kiểm điểm (chứ không chỉ bị bắt nói đâu) trên đài phát thanh, bọn tôi là lính tráng miền Bắc ngồi nghe mà không thể nhịn được cười vì họ tự trào.
Tôi quan niệm nền văn học của mình nếu bị mất đi 20 năm đó (tức văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975- PV) cũng giống như cột sống mà bị mất một đốt. Tôi vẫn ủng hộ việc cần khôi phục lại dòng văn học đó.
Những người như anh Nghĩa âm thầm trong nỗi lòng họ hiểu biết về văn học miền Nam nhưng đã rất lâu rồi không được nói lên điều đấy. Đọc cuốn Văn học Sài Gòn 1954-1975 một là vui cho anh ấy, hai là vui cho nước mình. Như mới đây bà Nguyễn Thị Hoàng ra Bắc nói chuyện. Tôi thì không thích văn của bà ấy lắm nhưng vẫn ủng hộ việc khôi phục cho bà ấy.
Vì là Những chuyện bên lề nên cũng nhẹ nhàng thôi, không chú trọng phân tích bình luận gì. Anh Nghĩa viết một cách thoải mái giống như ngoài Bắc mình viết những chuyện vui vui về ông Tô Hoài hay Nguyễn Đình Thi. Giờ được viết thoải mái về các nhà văn ở Sài Gòn trước 1975 như vậy là điều rất hay. Nó chứng tỏ quan niệm của cơ quan quản lý đã thay đổi. Cũng là cơ hội để nhà văn miền Nam như kiểu anh Nghĩa phát huy được phong cách của ngày xưa. Đáng tiếc anh ấy sớm qua đời. Đó là điều rất đáng buồn.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa tại Hà Nội tháng 8/2010 Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Anh Nghĩa không uống rượu được nhưng khi anh ra Hà Nội, chúng tôi có đi ăn 3-4 lần. Anh ấy bề ngoài thì vui tính. Là ông Hai Cù Nèo cơ mà! Nhưng lại là người buồn bã, trong lòng có nhiều nỗi niềm. Trong đó có cả những điều như đời sống Sài Gòn trước 1975, tầng lớp thanh niên thời anh ấy chưa được người ta hiểu hết. Hai nữa anh ấy cũng không được khỏe. Trong quá trình tù đày (nhà tù của Mỹ và quân đội Sài Gòn- PV), bị tra tấn hành hạ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe.
TẠ DUY ANH: “Thôi bạn già ra đi thanh thản nhé!”
Hiếm người nào chăm sóc cộng tác viên chu đáo, lịch sự và thật lòng như Lê Văn Nghĩa. Tôi gọi ông là bạn già, còn ông gọi tôi là “Lão”. Tờ Tuổi trẻ Cười do ông làm thư kí tòa soạn kiêm chân giữ chuyên mục nhiều năm, từng là hiện tượng của báo chí nước nhà.
Mặc dù ông đưa tôi vào diện cộng tác viên thân thiết của tờ báo, nhưng mỗi năm tôi chỉ gửi cho ông không quá ba bài. Tuy thế, trong nhiều năm liền, tháng nào tôi cũng được nhận tiền cộng tác viên. Có lần tôi dọa ông là nếu cứ gửi nữa, tôi sẽ mang vào tận tòa soạn để trả. Đáp lại, ông cười xuề xòa: “Cứ xài đi, vài tách cà phê mời ông để ông tỉnh táo, có đáng gì”. Và hầu như năm nào cũng thế, cứ gần Tết ta là ông lại bay từ TPHCM ra chỉ để ăn bữa tất niên với vài người, trong đó luôn có tôi.
Tôi vốn ít giao du, kể cả với người trong giới. Vì thế, cũng đã vài lần vào TPHCM một mình, nhưng hầu như tôi đi và về trong im lặng. Chỉ một lần duy nhất tôi gọi cho bạn bè và đó là Lê Văn Nghĩa. Lập tức ông phóng xe máy đến khách sạn đón tôi. Hôm ấy ông đưa tôi đến khá nhiều ngóc ngách của Hòn ngọc Viễn Đông một thời mà ông thấy tôi cần phải biết. Tại mỗi địa điểm, ông lại đóng vai người hướng dẫn du lịch, say sưa giới thiệu với tôi từng li từng tí. Chẳng hạn, khi qua một quán café, ông gần như reo lên khoe chỗ đó từng là nơi nhà thơ này, nhà thơ kia, tài tử nọ… thường ghé mỗi sáng.
Điểm cuối cùng ông đưa tôi đến, cũng là để kết thúc hành trình, đó là khu Chợ Lớn. Ông luôn sợ tôi không cảm nhận hết nét đặc sắc, đa dạng và hào sảng của văn hóa Sài Gòn, nên liên tục dừng xe để giảng giải. Hôm đó ông đãi tôi bữa tối bằng lẩu cá kèo, tại một quán mà ông bảo là ngon nhất Sài Thành. Cũng là lần đầu tiên tôi được thưởng thức món này. Nhìn chủ quán dốc tuột cả chậu cá còn đang sống vào cái lẩu nước sôi ùng ục, hình như tôi có hơi nhíu mày. Lập tức ông giải thích tại sao lẩu cá kèo phải ăn như vậy. Tiện thể ông nói về tính phóng khoáng, mạnh mẽ của người phương Nam. Và thêm: “Ngon lắm bạn nha, ăn đi rồi biết”.
Tôi ít thấy ai yêu TPHCM như ông.
Thôi, bạn già hiền hậu và hài hước của tôi đi thanh thản nhé…
LÊ MINH KHUÊ: “Ông ấy đã thoát ra khỏi thế giới bạo lực”
Ông viết về Sài Gòn. Cái ám ảnh ông nhất là không khí bình yên của Sài Gòn thời kỳ đấy, sự bình yên trong tình cảm của con người với nhau. Ông hiểu nó. Còn thời tranh đấu sinh viên không thấy ông ấy viết mấy.
Sau này vào Sài Gòn (đổi tên thành TPHCM) tôi cũng không hiểu có một cái thời như thế chăng. Cũng có thể. Vì TPHCM đông đúc hơn. Ông viết về cái thời chắc là người ít hơn. Rất lạ là không có màu sắc chiến tranh hay bạo lực. Mà thời đấy tranh đấu của sinh viên náo nhiệt lắm. Trong tác phẩm của mình, ông ấy hoàn toàn rút về vùng yên ổn.
Hầu như các cuốn sách của ông đều viết trong tâm thế tiếc nuối không khí bình yên thời đấy. Không phải thiếu thực tế nhưng mà ông ấy thích viết kiểu đấy. Mà như thế rất khó chứ không phải dễ đâu. Trong khi bản thân ông ấy bị tù đày như thế. Một lần đi uống cà phê với Lê Văn Nghĩa và Tạ Duy Anh, tôi hỏi sống trong tù thế nào, ông Nghĩa chỉ cười: “Ừ thì cũng bình thường” rồi không nói gì nữa. Có thời gian để nói ra thì chắc nhiều chuyện lắm, nhưng chúng tôi chỉ có một buổi tối hôm đó. Cái giỏi là ông ấy đã thoát ra khỏi thế giới bạo lực hãi hùng hằng ngày (khi bị tù đày ở Côn Đảo) để đến cõi văn chương yên ổn, cũng có cái mơ mộng của nó.
Gặp ông (khi đã bị bệnh rồi), tôi thấy ông là người từng trải, có một tâm thế yên ổn. Hơi giống người xứ Bắc. Đấy là cảm nhận của tôi. Có lẽ chồng của Minh Hạnh có kiểu khác người khác chăng?!