Quang cảnh Lễ thượng cờ. |
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự buổi lễ. Cùng dự có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội..; cùng đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Trị và đông đảo người dân địa phương.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ tại Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Di tích Quốc gia đặc biệt “Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải”. Ảnh: TTXVN |
Trong không khí trang nghiêm, trên nền nhạc Quốc ca hùng tráng, lá cờ Tổ quốc được kéo từ lên kỳ đài Hiền Lương lịch sử. Các đại biểu cùng nhân dân đã kính cẩn nghiêng mình, dành phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Sau Hiệp định Geneva năm 1954, chấm dứt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, hi sinh của dân tộc ta, cầu Hiền Lương – sông Bến Hải trở thành giới tuyến chia cắt 2 miền đất nước trong suốt 21 năm. Dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, người dân Quảng Trị cùng cả miền Nam, quyết không khuất phục, son sắt với niềm tin và khát vọng thống nhất non sông, kiên cường chiến đấu, đập tan mưu đồ “lấp sông Bến Hải”, tấn công ra miền Bắc của đế quốc Mỹ và tay sai. Trong suốt chiều dài của cuộc đấu tranh đầy gian nan, thử thách, dưới làn mưa bom, bão đạn của quân thù, lá cờ Tổ quốc nơi đầu cầu giới tuyến vẫn ngày đêm kiêu hãnh tung bay, trở thành biểu tượng của ý chí và khát vọng thống nhất.
Đồng thời là niềm tin, niềm hy vọng để tạo động lực, thôi thúc quân và dân ta kiên cường chiến đấu, lập nên nhiều chiến công hiển hách như: Vĩnh Linh lũy thép anh hùng, Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận, Đường 9- Khe Sanh, Làng Vây - Hướng Hóa… Đặc biệt, trong chiến dịch Trị - Thiên, quân và dân Quảng Trị đã tận dụng thời cơ, nổi dậy cùng với sức mạnh của các quân, binh đoàn chủ lực, dũng mãnh tiến công vào sào huyệt quân thù để giải phóng quê hương.
Ngày 1/5/1972, Quảng Trị - tỉnh đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Cùng với việc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, nhất là sự kiện “81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972” đã đánh dấu một mốc son vẻ vang “Quảng Trị cùng cả nước, vì cả nước vượt qua muôn trùng thử thách, chông gai” để viết nên khúc khải hoàn đại thắng mùa Xuân năm 1975, vĩnh viễn xóa đi sự chia cắt đau thương, về chung dưới một mái nhà Tổ quốc.
Ông Nguyễn Đăng Quang-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đăng Quang-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị đã ôn lại những truyền thống vẻ vang của quân và dân Quảng Trị trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Đồng thời nhấn mạnh, năm tháng đã qua đi, nhưng những ký ức về những chiến công hào hùng, vẻ vang trên đôi bờ Vĩ tuyến 17 của quân và dân Quảng Trị cùng cả nước, đã khắc ghi vào lịch sử của dân tộc, sẽ còn sống mãi trong mỗi trái tim người dân Việt Nam và tiềm thức nhân loại. Mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của niềm tin và khát vọng thống nhất non sông, là ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.
Đã tròn nửa thế kỷ, kể từ tỉnh Quảng Trị được giải phóng, từ xuất phát điểm thấp và sự hoang tàn sau chiến tranh, được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Chính phủ và nhân dân trong cả nước, địa phương đã từng bước khắc phục những khó khăn thử thách, tạo nên những chuyển biến tích cực. Hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện, kinh tế, văn hoá xã hội không ngừng phát triển, đời sống nhân dân ngày được nâng cao, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…
Sau Lễ Thượng cờ, các đại biểu và người dân đã tham dự nhiều hoạt động ý nghĩa trong Ngày hội thống nhất non sông như Lễ duyệt binh, giải đua thuyền truyền thống được tổ chức hết sức sôi động trên sông Bến Hải.