Lễ khai giảng nên đổi mới như thế nào?

Lễ khai giảng nên đổi mới như thế nào?
TPO - Từ khi Bộ GD&ĐT giao cho UBND các tỉnh quyết định kế hoạch thời gian năm học cho địa phương mình thì gần như tỉnh nào cũng dạy học trước 2 -3  tuần rồi mới khai giảng.

Tổ chức khai giảng như thế sẽ giảm đi ý nghĩa đáng kể, chỉ còn chủ yếu là thủ tục hình thức. Nhận diện đầu tiên là nó sai nghĩa của từ  “khai giảng” (mở đầu cho một năm học) trong tiếng Việt; làm cho giáo viên và nhất là những học trò cảm thấy từ “khai giảng” chỉ  còn là cái vỏ âm thanh mà thôi.    

Điều đáng nói là, ngày nay học sinh không còn được nghỉ trọn vẹn ba tháng hè lí thú bổ ích nữa. Ngày hè của các em bị cắt xén không thương tiếc để học thêm, học trước cả tháng thì làm sao lễ khai giảng khơi gợi được tâm trạng  háo hức, hân hoan, cảm giác mới mẻ, tinh khôi của ngày đầu tiên bước vào năm học mới nữa.

Cũng vì vậy mà nhiều năm qua, các trường phổ thông đã quen sống chung với một nghịch lí. Từ cán bộ quản lí đến giáo viên, ai cũng biết, cũng chung suy nghĩ: tổ chức lễ khai giảng như thế không tạo được cảm xúc thật cho giáo viên và học sinh nhưng vẫn phải làm. Làm theo một thói quen, một công việc định sẵn không cần tính đến giá trị thực của nó. Thế là cái công việc quan trọng đầu tiên của mỗi năm học lẽ ra thiêng liêng và ngập tràn cảm xúc thì nó trở nên khô cứng, nhàm chán.

Biết thế nhưng không phải hiệu trưởng nào cách tân được vì các nhà trường phải thực hiện đúng quy định về thời gian năm học về lễ khai giảng của ngành. Đã đến lúc “học trước, khai giảng sau” cần được Bộ GD&ĐT điều chỉnh hợp lí, các nhà trường thì chấm dứt việc tập trung học sinh để học trong hè.

Không ai phủ nhận, lễ khai giảng rất cần cho một năm học nhưng cũng rất cần sự  đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung.

Sự thay đổi trước hết là quay trở về giá trị nguyên bản của nó: ngày khai trường là ngày đầu tiên học sinh tới trường.

Và, chương trình khai giảng truyền thống cần được lược bớt đi rất nhiều. Không chỉ học sinh mà  giáo viên cũng vậy. Không ai muốn buổi  lễ hàm chứa một không gian, một chương trình có tính khuôn mẫu hành chính: bài diễn văn lê thê của hiệu trưởng liệt kê thành tích năm học đã qua, định hướng nhiệm vụ năm học sắp tới; ý kiến chỉ đạo dài dòng của đại biểu cấp trên; phát biểu chung chung của Thường trực cha mẹ học sinh; rồi cảm tưởng (hay quyết tâm thư) của đại diện giáo viên, học sinh... Trong khi đó, học sinh phải ngồi phơi nắng hàng giờ để “không nghe gì” (!)

Điều quan trọng nhất là thay đổi quan niệm: học sinh là trung tâm của lễ khai giảng. Các nhà trường cần tìm hiểu tâm lí học sinh thích khai giảng như thế nào; cần tổ chức hình thức khai giảng ra sao để lưu lại trong kí ức các em niềm hân hoan, kỉ niệm nhẹ nhàng mà lắng đọng.

Ý tưởng của chúng tôi, những người từng trực tiếp quản lí trường học là: ngày khai giảng vẫn trang trí cờ hoa, băng rôn, bóng bay rực rỡ sân trường để tạo không khí  tươi vui;  vẫn có phông màn và macket cho buổi lễ được trang trọng.

Lễ khai giảng không nhất thiết mời đại biểu. Giáo viên không ngồi tách riêng trên lễ đài mà hòa chung với học sinh trên sân trường.

 Chương trình buổi lễ có thể:

- Phần hội: vài ba tiết mục văn nghệ chào mừng (hoặc vài ba trò chơi dân gian sinh động).

- Phần lễ: chào cờ và hát quốc ca (cấp Tiểu học và Trung học cơ sở hát  thêm đội ca); hiệu trưởng lên bục trịnh trọng tuyên bố “Khai giảng năm học mới...” và gửi lời chúc tốt đẹp tới học sinh và giáo viên; Mời một giáo viên giỏi hoặc một học sinh giỏi lên đánh trống khai trường; Thư kí hội đồng nhà trường thông báo giáo viên chủ nhiệm cho từng lớp; giáo  viên chủ nhiệm dẫn học sinh vào lớp. Và bài học đầu tiên của năm học mới chính thức bắt đầu.

Đây chỉ là ý tưởng ở góc nhìn cá nhân. Ngày khai trường đã sắp đến. Hi vọng các nhà trường có những đổi mới để các em học sinh bước vào năm học mới nhẹ nhàng, vui tươi và lí thú.                                         

MỚI - NÓNG