Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
TP - Hôm qua, 21/2 (mùng 5 Tết Đinh Hợi), tại Công viên văn hóa Đống Đa, thành phố Hà Nội và quận Đống Đa đã tổ chức trọng thể Lễ hội kỷ niệm 218 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2007). 
Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa ảnh 1

Các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu và đại diện các ban, ngành T.Ư, thành phố đã tới dâng hương và trồng cây lưu niệm.

Trong tâm khảm người Việt, có lẽ ai cũng từng nghe, từng học và biết đến gò Đống Đa - địa danh ghi đậm chiến công hiển hách, thể hiện ý chí và niềm tự hào lớn lao trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn dũng mãnh, dưới sự chỉ huy của người Anh hùng áo vải đất Tây Sơn (Bình Định) đã hành quân thần tốc, mãnh liệt, tiến công và đánh bại quân xâm lược nhà Thanh, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Những ngày này cách đây 218 năm, người dân thành Thăng Long đã tưng bừng chào đón đoàn quân Tây Sơn tiến vào giải phóng. Người Việt vẫn thường gọi chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 là Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Đó cũng là một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta và mãi mãi là niềm tự hào của mọi người Việt Nam.

Với tầm vóc và ý nghĩa to lớn, Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được nhân dân trân trọng biến thành nghi lễ truyền thống hàng năm mỗi khi xuân về- Lễ hội Đống Đa. Mồng 5 Tết Nguyên đán hằng năm, người Hà Nội lại hẹn nhau đến Lễ hội Đống Đa.

Năm Đinh Hợi này, Lễ hội diễn ra sôi nổi với chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc đặc sắc của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội và nhiều hoạt động phong phú khác như: múa rồng, múa chiêng, thi đấu cờ người, biểu diễn võ thuật...

Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa ảnh 2
Lễ dâng hương trong ngày kỷ niệm 218 năm (1789 - 2007) chiến thắng Đống Đa - Ngọc Hồi  (Ảnh: Phạm Yên)

Đặc biệt là màn biểu diễn múa rồng. Những con rồng cách điệu được những thanh niên trai tráng điều khiển, dẫn đầu đám rước, đi suốt ngả đường chính rồi trở về sân gò biểu diễn những đường múa điêu luyện, uyển chuyển, hùng dũng… như tái hiện lại trận rồng lửa của nghĩa quân Tây Sơn năm xưa. Đối với người xem, màn lễ hội ít nhiều đã đọng lại những ấn tượng sâu đậm về hào khí Thăng Long xưa.

Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Đức Học nêu rõ: Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789 là sự hội tụ cao của tinh thần yêu nước nồng nàn, yêu độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, của truyền thống đoàn kết, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm, của ý chí quật cường không cam chịu sống kiếp đời nô lệ; đồng thời cũng là chiến thắng của chiến lược quân sự tài tình: bí mật, thần tốc, dũng mãnh, bất ngờ của nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy trực tiếp của nhà quân sự, chính trị thiên tài, người anh hùng dân tộc vĩ đại Quang Trung-Nguyễn Huệ.

Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc ta như một bản anh hùng ca bất hủ trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Nhân dịp này, quận Đống Đa đã phát động phong trào thi đua năm 2007 với mục tiêu phát huy mọi nguồn lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế, tập trung cải cách hành chính, gắn tăng trưởng kinh tế với giảm nghèo, tạo việc làm mới và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc... Theo đó, mục tiêu là tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn quận từ 15% đến 17%/năm.

Quận sẽ huy động hiệu quả các nguồn vốn, xây dựng, cải tạo hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đường vành đai 1, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài đến Cầu Giấy, đường Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng.

Xã hội hóa để đẩy nhanh việc xây mới các nhóm nhà cao tầng đồng bộ với hạ tầng đô thị tại các phường Phương Mai, Ngã Tư Sở, Quang Trung...  Đến hết năm 2010, sẽ không còn hộ nghèo trên địa bàn quận. Mỗi năm quận tạo việc làm cho 8.000 - 8.500 lao động. Quận phát triển mạng lưới chợ và trung tâm thương mại, xây dựng lại các chợ Ngã Tư Sở, Kim Liên, Khâm Thiên, phấn đấu đến hết năm 2010 cải tạo xong toàn bộ hệ thống chợ hiện có.

Bình Định: Ngày 21/2 (mùng 5 Tết), tại Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn, Bình Định) đã diễn ra lễ hội chính kỷ niệm 218 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789 – 2007). Trước đó, chiều 20/2 (mùng 4 Tết), Sở Văn hóa Thông tin và UBND huyện Tây Sơn đã khai mạc lễ hội này.

Tham dự buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Bình Định, các ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện, thành phố trong và ngoài tỉnh đã cùng tham gia Lễ dâng hoa, dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt để tưởng nhớ công đức của 3 anh em Nhà Tây Sơn cùng các văn thần, võ tướng của phong trào nông dân Tây Sơn.

Ngoài lễ, hội cũng diễn ra với nhiều loại hình văn hóa, giải trí lành mạnh, thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia như: Biểu diễn nhạc võ cổ truyền Tây Sơn; cồng chiêng Tây Nguyên; liên hoan ẩm thực 3 miền; thi đấu võ cổ truyền liên tỉnh, chơi các trò chơi dân gian…

MỚI - NÓNG