Lê Bích - người đau đáu với nghề muôn năm cũ

Bà Vũ Thi Minh Tâm, nghệ nhân làm thiên nga bông.
Bà Vũ Thi Minh Tâm, nghệ nhân làm thiên nga bông.
TP - Bộ ảnh “Những người giữ hồn Trung thu” của nhiếp ảnh gia Lê Bích được trưng bày tại đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc, Hà Nội) từ ngày 9/9 hứa hẹn nhiều hấp dẫn vì ngoài bộ ảnh dày công, công chúng còn được xem nghệ nhân làm các món đồ chơi trung thu ngay tại triển lãm.

Mười bộ ảnh là mười câu chuyện mà Lê Bích chắt lọc từ năm 2009 đến nay. Nhiều gia đình Hà Nội: Gia đình nghệ nhân cao tuổi Vũ Thị Thanh Tâm (79 Hàng Lược) với nghề làm thiên nga bông; hai vợ chồng ông Hòa (73 Hàng Than) với nghề làm mặt nạ giấy bồi; gia đình ông Quang (59 Hàng Quạt) với nghề làm khuôn bánh nướng, bánh dẻo bằng gỗ; các gia đình làm đèn kéo quân ở phố Hàng Mã; gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng làm tàu thủy sắt tây ở Khương Đình...

Nhiếp ảnh gia Lê Bích còn “lần mò” về các làng nghề truyền thống, chuyên cung cấp các đồ chơi trung thu truyền thống bày bán ở phố Hàng Mã: làng Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Ninh Trực, Nam Định chuyên làm đèn ông sao; Làng Gạo, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định có nghề làm đầu lân sư tử lâu năm...

Lê Bích cho biết, có những bộ ảnh anh phải thực hiện mấy năm. Anh phải quay lại làng Gạo 3- 4 lần mới thực hiện được trọn vẹn bộ ảnh. Nhiều câu chuyện của anh đã được đăng tải trên một số báo và tạp chí trong nước. Lê Bích ấn tượng nhất là câu chuyện về nghệ nhân làm thiên nga bông Vũ Thị Minh Tâm được đăng trên tạp chí Heritage (phát trên máy bay của Vietnam Airlines). Sau khi báo đăng, hàng thiên nga bông của bà Tâm bán chạy. Bà Tâm kể, chuyến đó có những người ở tận TPHCM ra Hà Nội mua hết sạch số thiên nga còn lại, khoảng hơn 100 con. Có nhà báo nước ngoài cầm khư khư cuốn tạp chí có bài viết về bà Tâm, tìm đến tận nhà bà để viết bài. Còn bà Tâm khi gặp lại Lê Bích thì nắm tay anh rất chặt và cảm ơn. Lê Bích bảo, chưa bao giờ có người nắm tay mình chặt đến thế.

Lê Bích - người đau đáu với nghề muôn năm cũ ảnh 1

Nghề làm đầu sư tử ở làng Gạo, Nam Định.

Khi được hỏi, liệu anh đã “khai thác” hết các nghệ nhân làm đồ chơi trung thu truyền thống chưa, Lê Bích bảo: “Gần hết. Chỉ còn thiếu trống bỏi vì chưa đến đúng dịp, một năm họ chỉ làm 1 lần thôi. Còn nghề thổi thủy tinh đồ chơi có hình con hươu giờ không còn ai làm nữa”.

Lê Bích - người đau đáu với nghề muôn năm cũ ảnh 2

Khuôn bánh nướng, bánh dẻo của gia đình ông Quang, Hàng Quạt.

Lê Bích kể, tình yêu làng xã và văn hóa Việt của anh bắt nguồn từ những ký ức tuổi thơ và những tháng năm anh theo cha học vẽ họa tiết đình chùa. Cha anh vốn là họa sỹ sơn mài. Sau khi ông mất sớm, anh không theo nghiệp cha nhưng vẫn đau đáu với các làng nghề và văn hóa truyền thống.  Kể từ năm 2009 đến nay, anh đã rong ruổi khắp các làng nghề để chụp ảnh với mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc lưu giữ văn hóa truyền thống.  Trong hai năm qua, anh đã tổ chức ba cuộc triển lãm đều liên quan đến nghề thủ công như “Những người giữ nét tinh hoa Hà Nội” phản ánh đời sống của 26 nhân vật, “Làng nghề đón xuân” và ngày 26/11 sắp tới anh có triển lãm ảnh tôn vinh làng nghề thêu.

Tối 2/9, Lễ hội Trung thu phố cổ chính thức khai trương trước cửa chợ Đồng Xuân. Lễ hội sẽ kéo dài tới hết ngày 15/9 với nhiều hoạt động phong phú như trưng bày ảnh “Những người giữ hồn Trung thu”, triển lãm ảnh tư liệu về Trung thu ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20, sắp đặt không gian giới thiệu Tết Trung thu truyền thống của một gia đình Hà Nội... diễn ra lần lượt tại đình Kim Ngân (số 42-44 Hàng Bạc), đền Quan Đế (số 28 Hàng Buồm), Trung tâm giao lưu Văn hóa phố cổ (số 50 Đào Duy Từ) và Ngôi nhà di sản (số 87 Mã Mây).

MỚI - NÓNG
Tổng cục Hải quan bổ nhiệm vụ trưởng mới
Tổng cục Hải quan bổ nhiệm vụ trưởng mới
TPO - Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ vừa trao quyết định điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông Trần Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh - giữ chức Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Tổng cục Hải quan.