Lấy ý kiến người dân về mẫu tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Mẫu tàu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: L.H.V.
Mẫu tàu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: L.H.V.
TP - Từ ngày 29/10 đến 30/11/2015, người dân Hà Nội có thể tới Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) xem và đóng góp ý kiến về thiết kế mẫu tàu điện tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Ban Quản lý dự án Đường sắt-Bộ GTVT (đại diện chủ đầu tư) cho biết, đưa toa tàu mẫu ra lấy ý kiến người dân về nội, ngoại thất là để nhà thầu xem xét chỉnh sửa cho phù hợp.

Màu sắc chủ đạo của tàu là xanh lá cây, nội thất màu ghi sáng.

Về ngoại thất, Bộ GTVT chấp thuận mô hình tàu mẫu có phần thiết kế đầu tàu theo hình vát, gần với hình dạng khí động học (hình mũi tên). Riêng phần dưới cản trước, tạm chấp nhận tàu mẫu sử dụng khuôn sẵn có (chưa thể hiện phần bo tròn và hộp bảo vệ đầu đấm móc nối như phương án được Bộ GTVT chấp thuận). Vì vậy, đầu tàu chính thức sẽ được sản xuất theo đúng phương án đã lựa chọn (có một số điểm ngoài khác tàu mẫu).

Dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ tiến hành mua sắm 13 đoàn tàu (52 toa), 4 toa/1 đoàn tàu, sức chứa 1.322 người/đoàn. Mỗi đoàn tàu dài 79m, rộng 2,8m, cao 3,8m.

Tàu do Cty TNHH Trang thiết bị Tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) chế tạo và sản xuất.

Chiều 28/10, trao đổi với Tiền Phong, TS Nguyễn Xuân Thủy – người từng bảo vệ luận án tiến sĩ về đường sắt đô thị tại Tiệp Khắc (cũ), cho biết, theo những thông số kỹ thuật đã công bố, tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng “khá ổn”. Tuy nhiên, TS Thủy cho rằng, điều quan trọng là hệ thống an toàn được thiết kế và vận hành thế nào? “Tàu chạy trên cao sẽ gây tiếng ồn ra sao, tốc độ có đảm bảo ổn định… những điểm này cần được người nghiệm thu lưu tâm. Đặc biệt là vấn đề an toàn”, TS Thủy nói.

Ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông (Bộ GTVT) cho biết, trước mắt việc lấy ý kiến sẽ kéo dài hết tháng 11 tới. Tuy nhiên, nếu người dân vẫn có nhu cầu cần thêm thời gian để đóng góp ý kiến, thời gian lấy ý kiến sẽ kéo dài thêm. Người dân có thể đóng góp ý kiến trực tiếp tại khu trưng bày, hoặc góp ý qua thư điện tử và các hình thức khác về Bộ GTVT.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.