Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp |
Sáng 14/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm 5 Chương với 19 Điều và các phụ lục, biểu mẫu ban hành kèm theo.
Về kỳ họp bất thường, theo Tổng Thư ký, dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết theo hướng quy định cụ thể về cách thức xử lý yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường của các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, trường hợp Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Quốc hội họp bất thường thì gửi văn bản nêu rõ sự cần thiết tổ chức kỳ họp bất thường, đề xuất nội dung, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời gửi hồ sơ tài liệu về nội dung kèm văn bản yêu cầu tổ chức họp bất thường nếu nội dung đề xuất thuộc trách nhiệm chuẩn bị của mình.
Trường hợp đại biểu Quốc hội yêu cầu Quốc hội họp bất thường thì đại biểu Quốc hội gửi văn bản nêu rõ sự cần thiết tổ chức kỳ họp bất thường, đề xuất nội dung, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong khoảng thời gian từ ngày khai mạc kỳ họp gần nhất đến trước ngày dự kiến khai mạc kỳ họp tiếp theo.
Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Quốc hội họp bất thường thì nêu rõ sự cần thiết, đề xuất nội dung, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường.
“Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình yêu cầu hoặc khi nhận được yêu cầu của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội về việc tổ chức kỳ họp bất thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan, tổ chức chuẩn bị nội dung được đề nghị trình Quốc hội. Trong đó có yêu cầu về thời hạn gửi hồ sơ đến các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp”, ông Cường nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định quan tâm đến quy định phiếu không hợp lệ là phiếu “có ghi thêm những nội dung khác”. “Người ta ghi thêm nội dung khác mà lại cũng không hợp lệ thì không hẳn như thế”, ông Định cho hay.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem Quy định 96 của Bộ Chính trị quy định: Trường hợp phiếu ghi thêm tên ngoài danh sách thì phần ghi thêm là không hợp lệ, còn trong danh sách nếu vẫn đánh đúng quy định thì vẫn hợp lệ.
Ông Nguyễn Khắc Định nói thêm, trong Quy định 96 có giao cho Đảng đoàn Quốc hội khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để thực hiện theo Quy định 96.
Trong khi đó, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Thế nên theo ông Định, phải khẩn trương chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, để trình Quốc hội ngay tại kỳ họp giữa năm mới kịp để kỳ họp cuối năm lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. "Nếu để đến kỳ họp cuối năm mới làm thì không kịp", ông Định nói.
Đề cập đến một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay việc tổ chức kỳ họp bất thường chủ yếu do yêu cầu chung, sau đó có chỉ đạo của Trung ương thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chủ động đề xuất.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong trường hợp Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thì cũng phải quy định thời hạn gửi hồ sơ như thế nào để đảm bảo yêu cầu, chẳng hạn đảm bảo thời hạn chậm nhất 7 ngày trước khi triệu tập kỳ họp để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan tiến hành các công việc đề ra.
"Các đồng chí cần nghiên cứu thêm để đảm bảo tính khả thi, chặt chẽ", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.