Lật hồ sơ vụ mất tích bí ẩn của điệp viên người nhái

Lionel "Buster” Crabb.
Lionel "Buster” Crabb.
Một điệp vụ bất thành, một điệp viên mất tích, một cuộc tranh luận dai dẳng, dư luận bàn tán, đồn đoán đủ kiểu xung quanh vụ điệp viên mất tích từng khiến cho Thủ tướng Anh tức giận vì bị bẽ mặt. Vụ việc xảy ra gần 60 năm trước tại quân cảng của căn cứ hải quân Portsmouth, Anh.

Nhiều hồ sơ mật về vụ việc được giải mật, kể cả loạt hồ sơ vừa mới giải mật vào cuối tháng 10 vừa qua, nhưng bức màn bí ẩn xung quanh cái chết hay vụ mất tích của điệp viên người nhái Hải quân Anh đến nay vẫn chưa được minh giải.

Anh hùng lặn phá bom thời chiến vốn bơi… rất kém!

Lionel Kenneth Phillip Crabb, biệt danh là "Buster", hàm nghĩa "Chuyên gia phá bom", một sĩ quan dự bị tình nguyện nhưng lại là một trong những sĩ quan biệt kích người nhái nhiều thành tích nhất của Hải quân Hoàng gia Anh (RNVR). Ông được tặng thưởng các huân, huy chương cao quý, như Huân chương Đế quốc Anh (OBE), Huân chương George (GM), và Huy chương Quân công xuất sắc (DSO).

Crabb sinh ngày 28/1/1909, trong gia đình nghèo khó ở Streatham, London. Trong 3 năm (1922-1924), Crabb tham gia khóa huấn luyện hải quân và sau khi mãn khóa gia nhập Hải quân Hoàng gia Anh. Tuy nhiên, trong Thế chiến II, Crabb lại đi lính bộ binh, vì thế ông được chuyển trả về đơn vị RNVR, tiếp tục được huấn luyện nghiệp vụ Sĩ quan An toàn bom (BSO), tức chuyên gia phá bom, và được thăng hàm trung úy vào tháng 11/1941.

Có một điều lạ lùng là Crabb vốn ham hút thuốc lá, uống rượu, bia, lười tập luyện, vì vậy bơi rất dở, chưa được 200 mét là đuối sức, thế nhưng khi tham gia vào các nhiệm vụ lặn phá mìn thì "tay nghề" của Crabb ngày càng thiện nghệ. Người ta cho rằng, ông chỉ quan tâm tập luyện lặn và xin các cấp chỉ huy cho luyện tập duy nhất môn lặn.

Lật hồ sơ vụ mất tích bí ẩn của điệp viên người nhái ảnh 1 Tàu tuần dương Ordzhonikidze của Liên Xô khi đến thăm Anh, năm 1956.
Năm 1942, Crabb được điều đến trú đóng tại căn cứ HMS Cormorant ở Gibralta, với tư cách là sĩ quan rà phá bom mìn, nhiệm vụ chính của ông là phát hiện và vô hiệu hóa những quả bom do lực lượng người nhái thuộc đơn vị Tàu tấn công hạng nhẹ số 10 (Decima MAS) của Hải quân Italia cài vào lườn các tàu chiến của quân đồng minh neo đậu ngoài khơi Gibralta. Nhờ thành tích trong nhiệm vụ này mà danh tiếng Crabb nổi như cồn, được các chỉ huy quân đội Anh và đồng minh xem như "người hùng chiến tranh". Nhiệm vụ tại Căn cứ HMS Cormorant kéo dài đến tháng 8/1943 thì kết thúc, một tháng trước khi Italia ký kết ngừng bắn với quân Đồng minh.

Tháng 1/1944, Crabb cùng một đồng đội là David Bell được tặng thưởng Huân chương George. Từ tháng 8/1944, Crabb tiếp tục được điều động đến châu Phi để hỗ trợ chỉ huy Roger Lewis. Tháng 5/1945, ông được phân công làm sĩ quan lặn chính tại căn cứ HMS Fabius ở Venice, Italia. Tháng 8/1945, Crabb được cử đến Palestine trong một nhiệm vụ kéo dài 3 tháng để giải quyết dứt điểm các thiết bị nổ dưới nước của người Do Thái và được thưởng Huân chương George.

Sau Thế chiến II, Crabb bắt đầu sự nghiệp huấn luyện thợ lặn chuyên nghiệp cho Hải quân Mỹ, được thăng chức chỉ huy và tham gia nhiều điệp vụ dưới nước tìm cách phá hoại các tàu chiến của Liên Xô. Trước khi mất tích, Crabb từng tham gia do thám các tàu chiến của Liên Xô ghé cảng Portsmouth vào năm 1955, như tàu tuần dương Sverdlov, các tàu khu trục Sovershenny, Smotryashchy, Smetlivy và Sposobiry.

Lật hồ sơ vụ mất tích bí ẩn của điệp viên người nhái ảnh 2 Cựu đặc nhiệm người nhái Liên Xô Eduard Koltsov cùng các "bằng chứng" đã sử dụng trong vụ thủ tiêu Lionel Crabb.

Điệp vụ bất thành

Vụ mất tích của Crabb xảy ra vào đúng dịp Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev cùng Bộ trưởng Ngoại giao Nikolai Bulganin đến thăm Vương quốc Anh. Hai vị lãnh đạo Liên Xô đi trên tàu tuần dương Ordzhonikidze, được hộ tống bởi 2 tàu khu trục Sovershenny và Smotryaschy. Đây là 2 nhà lãnh đạo Liên Xô đầu tiên đến thăm một quốc gia phương Tây trong thời kỳ cao trào của Chiến tranh lạnh.

Theo các hồ sơ giải mật vào năm 2006, ngày 17/4/1956, Crabb đến đăng ký phòng nghỉ tại khách sạn Sally ở Portsmouth cùng với một người có mật danh là Mr Smith, tên thật Ted Davies, được cho là người liên lạc của MI-6. Họ ra khỏi khách sạn vào sáng sớm ngày 19/4. Sau đó, Mr Smith quay về trả tiền phòng khách sạn và thu dọn đồ đạc, còn Crabb thì không thấy quay trở lại. Một số thủy thủ trên tàu Ordzhonikidze nhìn thấy Crabb bơi trong nước gần tàu, và vị thuyền trưởng của tàu đã báo với cơ quan chức năng ở Portsmouth, tuy nhiên cơ quan chức năng Portsmouth đã chối bỏ chi tiết này.

Vụ việc Crabb mất tích đã không được báo cáo cho Bộ Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh ngay, bởi vì trước khi tham gia vụ lặn do thám tàu Ordzhonikidze, Crabb đã không còn là người của Hải quân nhưng vẫn giữ liên lạc với Hải quân Hoàng gia Anh và cả cơ quan tình báo của nước này để khi cần thì ông vẫn sẵn sàng hỗ trợ. Do vậy, ngày 29/4, Bộ Tư lệnh Hải quân báo cáo vụ Crabb mất tích lên Thủ tướng Anh khi đó là Sir Anthony Eden.

Ngày 4/5/1956, Liên Xô gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao Anh phản đối việc một điệp viên người nhái đã được phát hiện tại khu vực quanh mạn tàu. Thủ tướng Eden rất tức giận. Các tài liệu mật cho thấy, trước khi đoàn tàu chở Khrushchev cập cảng Portsmouth, Thủ tướng Eden đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo Anh "không được phép do thám tàu" trong suốt chuyến thăm đầy thiện chí của Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô. Bởi thế, khi sự việc xảy ra, dư luận bắt đầu quan tâm, Thủ tướng Eden đã phải tìm đủ mọi cách để tách vụ việc khỏi trách nhiệm của nội các Anh.

Giải trình trước Quốc hội về vụ việc, Thủ tướng Eden đã khẳng định những việc này đã xảy ra hoàn toàn "nằm ngoài sự cho phép hay biết trước của các bộ trưởng". Đồng thời ông cũng tuyên bố tiến hành kỷ luật các cá nhân liên quan. Kết quả là Giám đốc MI-6 khi đó là Sir John Alexander Sinclair đã bị buộc phải từ chức.

Lật hồ sơ vụ mất tích bí ẩn của điệp viên người nhái ảnh 3 Sydney Knowles, cựu biệt kích người nhái Hải quân Anh, đồng đội cũ của Lionel Crabb.

Bí ẩn chưa có lời giải

Vậy Crabb có thật sự do thám tàu của Liên Xô không? Câu trả lời là có, nhưng sự thật đã được che giấu trong một thời gian dài. Các tài liệu mới giải mật hôm 28-10 vừa qua cho thấy rõ ràng có sự liên quan của Cơ quan tình báo MI-6 và cả Bộ Ngoại giao Anh trong vụ mất tích của Crabb. Theo tài liệu giải mật được tờ báo Daily Telegraph đăng tải, đã có "thông tin sai lệch" giữa Bộ Ngoại giao và MI-6 dẫn đến việc MI-6 tin rằng "chiến dịch do thám tàu Ordzhonikidze đã được Chính phủ cho phép", trong khi trên thực tế Thủ tướng Eden hoàn toàn không hay biết gì.

Một số tài liệu mật được Văn phòng Nội các Chính phủ Anh giải mật vào năm 2005 cho thấy, MI-6 đã tiến hành điệp vụ do thám tàu Ordzhonikidze một cách rất cẩu thả dẫn đến việc Crabb mất tích, và khi thông tin về vụ việc được tiết lộ, MI-6 lại tìm cách thoái thác trách nhiệm, chối bỏ mối quan hệ với Crabb.

Thủ tướng Eden có vẻ không có ý khẳng định trước công chúng Anh rằng, chỉ huy Crabb "không thực hiện nhiệm vụ gián điệp" khi ông mất tích. Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Eden không đả động gì đến chuyện Crabb có "do thám tàu Ordzhonikidze hay không". Các nghị sĩ Công đảng khi đó đã thúc giục ông phải công khai khẳng định: "Chỉ huy Crabb không làm gián điệp" - để tránh dư luận không hay ảnh hưởng đến uy tín chính phủ, nhưng Thủ tướng Eden từ chối. Cuối cùng, lãnh đạo Công đảng Hugh Gaitskell đã phải thêm vài chữ vào phát biểu của Thủ tướng Eden, với sự đồng ý của ông. Như vậy, thông tin được truyền đi rộng rãi là vào ngày Crabb mất tích, ông "được giao thực hiện một nhiệm vụ lặn huấn luyện" và "đã tử nạn do quả mìn phát nổ khi ông thử nghiệm cài vào tàu huấn luyện".

Tuy nhiên, từ năm 1957, dư luận bắt đầu nghi ngờ về vụ Crabb mất tích. Tháng 6 năm đó, 2 thợ lặn đã phát hiện một thi thể đàn ông không đầu mặc đồ lặn trôi dạt ở cảng Chichester, cách Portsmouth 14 dặm (22 km) về phía đông. Một điều tra viên sau đó khẳng định cái xác không đầu chính là Crabb. Rồi 10 năm sau, một chiếc đầu người được tìm thấy vùi lấp trong cát cũng ở cảng Chichester. Mặc dù một số chi tiết răng hàm không hoàn toàn giống của Crabb, nhưng giám định pháp y khi đó khẳng định chiếc đầu lâu và cái xác của Crabb có cùng độ tuổi. Mặc dù vậy, nguyên nhân cái chết của Crabb vẫn chưa được xác định.

Điều đó khiến cho những đồn đoán về số phận của Crabb tiếp tục lan truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Một giả thuyết cho rằng, Crabb bị giết bởi một thiết bị chống người nhái tối tân (khi đó) được gắn thử nghiệm vào vỏ tàu Ordzhonikidze, hoặc bị bắn chết bởi một tay súng bắn tỉa đứng trên boong tàu. Cũng có những giả thuyết khác bảo rằng Crabb thật ra không chết, đã đào tẩu và đang sống khỏe ở Liên Xô hay CHDC Đức, hoặc cũng có thể bị Liên Xô bắt giam. Năm 1975, một thầy bói ở tận Nam Phi thậm chí còn gửi thư đến Chính phủ Anh khẳng định Crabb đã "nhập" vào bà ta và kể rằng ông đã bị hút vào lườn tàu và chết ngạt (!?)

Đặc biệt, trong một bài báo đăng trên tờ Mail On Sunday ngày 26/3/2006, tác giả Tim Binding giật tít "Buster Crabb bị MI-5 sát hại". Binding viết rằng, chính Sydney Knowles, một biệt kích người nhái, đồng đội của Crabb đã tiếp xúc với ông và kể rằng, khi biết Crabb có ý định đào tẩu sang Liên Xô, MI-5 đã dàn xếp điệp vụ lặn do thám tàu Ordzhonikidze để thủ tiêu ông. Knowles kể, khi hay tin thợ lặn vớt được xác không đầu ở cảng Chichester, MI-5 đã cử ông đến Chichester để xác minh cái xác có đúng là Crabb hay không. Knowles khẳng định cái xác đó không phải Crabb.

Năm 2007, ông Eduard Koltsov, một lính đặc nhiệm người nhái Liên Xô, đã lên tiếng trong một phóng sự tài liệu khẳng định chính mình đã giết chết Crabb bằng một con dao găm. Koltsov kể: Sau khi phát hiện Crabb bơi gần con tàu, ông đã được phái theo dõi và đã ra tay giết chết Crabb khi phát hiện ông ta đang tìm cách cài chất nổ vào lườn tàu Ordzhonikidze. Koltsov đã trưng ra con dao găm làm bằng chứng, cùng với chiếc huy chương Sao Đỏ mà ông được tặng thưởng cho hành động dũng cảm đó. Tuy nhiên, câu chuyện của Koltsov ngay sau đó cũng bị bác bỏ vì bị cho là dựng chuyện để che đậy sự thật về Crabb.

Rốt cuộc, Crabb đã chết vào năm 1956, chết như thế nào, hay đã đào thoát thành công sang Liên Xô cho đến nay vẫn chưa có lời giải rõ ràng, chắc chắn. Câu chuyện bí ẩn về vụ mất tích và câu hỏi "Crabb đã chết hay đào thoát" trở thành đề tài cho những quyển sách ra đời trong nhiều năm qua như "Man Overboard" của tác giả Tim Binding xuất bản năm 2005; "The Final Dive" của tác giả Don Hale xuất bản năm 2007. Ngoài ra, còn có một bộ phim nổi tiếng "The Silent Enimy".

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG