> 'Thế giới không coi ông Gaddafi là lãnh đạo Libya'
Hơn hai tháng sau khi phát động chiến dịch tấn công quân sự vào Libya, mục tiêu của các nước phương Tây nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi vẫn chưa thực hiện được. Sự bế tắc đó càng khiến dư luận nghi ngờ về khả năng NATO sẽ bị sa lầy ở quốc gia Bắc Phi này. Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy sự thất vọng, thậm chí có thể là tuyệt vọng, của các nước đồng minh.
Cho đến nay, Nga vẫn là đối tác có thể tiếp xúc với chính quyền của nhà lãnh đạo Gadahfi và thậm chí cả lực lượng đối lập. Có tin chính Thủ tướng Libya đã liên lạc với Mátxcơva với mong muốn tiến hành đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn và khởi động các cuộc đàm phán mà không có các điều kiện tiên quyết. Xem ra Nga cũng đã sẵn sàng cho vai trò trọng đại này.
Trong khi Pháp đặc biệt tỏ ra hào hứng với đề xuất trên, thái độ của một số nước đồng minh, đặc biệt là Mỹ và Anh, lại lập lờ nước đôi. Một mặt Mỹ muốn Nga tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc với chính quyền Libya để dàn xếp các thỏa thuận, song Washington lại tỏ ra thờ ơ với khái niệm Mátxcơva sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong tiến trình trung gian hòa giải.
Thái độ không rõ ràng trên cũng dễ hiểu bởi Mỹ không muốn để mất vai trò lãnh đạo mang tính quyết định trong chiến dịch lật đổ nhà lãnh đạo Gadahfi dù Washington không ra mặt “cầm cương” cuộc chiến này.
Anh cũng không mặn mà lắm với ý tưởng trên do không muốn thừa nhận sự yếu kém của mình bởi London là một trong những đồng minh nhiệt tình nhất với kế hoạch tấn công Libya với mong muốn qua đó gia tăng uy tín của nước này trên trường quốc tế.
Khi các nước đồng minh vẫn không thống nhất được cách thức tháo gỡ khủng hoảng thì cuộc xung đột ở Libya còn lâu mới có hồi kết.