Theo PGS. TS. Lương Ngọc Khuê việc lập hồ sơ cá nhân gắn với BHYT toàn dân và chăm sóc sức khoẻ toàn dân đang được thực hiện thí điểm tại Hà Nội, Phú Thọ và Bắc Ninh.
Ông có thể cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân thời gian qua đạt được những kết quả quan trọng gì?
Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Tình trạng sức khỏe của người dân có nhiều cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng; tỷ lệ tử vong mẹ, tỷ suất tử vong trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm. Thành tựu y tế Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao, có nhiều ưu việt so với các nước có cùng mức thu nhập. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Vậy ông có thể cho biết đó là những khó khăn, thách thức gì?
Đó là mô hình bệnh tật kép, bệnh lây nhiễm và tai nạn, thương tích tăng nhanh, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm vẫn ở mức cao. Tỷ lệ già hoá dân số nhanh; một số chỉ số về chất lượng sức khoẻ thấp, trong đó tỷ lệ trẻ em thể thấp còi còn cao. Sự gia tăng các yếu tố nguy cơ do tác động của quá trình công nghiệp hoá, đô thị hóa, lối sống không lành mạnh (lạm dụng rượu bia, thiếu vận động, dinh dưỡng không hợp lý), ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu…
Với những thách thức trên, đòi hỏi hệ thống y tế phải có những thay đổi phù hợp cả về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và khả năng cung ứng các dịch vụ. Trong khi đó, cơ chế tài chính y tế chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội, chi tại y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu còn thấp, y tế cơ sở chưa làm tốt việc tư vấn, kết nối chuyển tuyến khám chữa bệnh. Cùng đó là tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên.
Để giải quyết tình trạng quá tải, thời gian qua đã áp dụng thực hiện các biện pháp như: Đầu tư cho việc phát triển hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương, tuyến cuối và bệnh viện vệ tinh. Thời gian tới cần tập trung hơn cho y tế cơ sở để quản lý sức khỏe, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phát hiện sớm bệnh tật và điều trị kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm chi phí khám chữa bệnh.
Như vậy, rõ ràng theo ông việc thực hiện quản lý sức khỏe cá nhân là vô cùng cần thiết?
Đúng vậy, để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện sớm bệnh tật, việc thiết lập hệ thống quản lý sức khỏe cá nhân gắn với mục tiêu BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân là vô cùng cần thiết và mang tính thực tiễn sâu sắc. Tuy có những khó khăn nhưng cũng có nhiều thuận lợi. Đó chính là sự quan tâm và quyết tâm của hệ thống chính trị đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hệ thống y tế cơ sở đã được đầu tư phát triển, đến nay toàn quốc đã có 11.400 trạm y tế cấp xã, trong đó có 78% trạm y tế có bác sỹ làm việc.
Việc lập hồ sơ và quản lý sức khoẻ cho mọi người dân đã từng được thực hiện trước đây tại trạm y tế cấp xã, y tế cơ quan, xí nghiệp, trường học, có thêm kinh nghiệm và lòng tin, đồng thời chúng ta đã có mạng lưới y tế học đường, mô hình phòng khám y tế tư nhân, y tế gia đình phát hiện ở đô thị.
Cùng đó, BHXH Việt Nam và toàn ngành BHXH cơ bản đã tạo lập được cơ sở dữ liệu quốc gia hộ gia đình; gần 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT từ trung ương đến địa phương, trong đó có trên 9.000 trạm y tế tuyến xã đã kết nối liên thông dữ liệu với cơ quan BHXH. Hơn nữa, Luật BHYT cũng khuyến khích để người dân được khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở.
Chúng ta sẽ thu được lợi ích gì khi lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân thưa ông?
Việc bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe duy nhất và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia có nhiều lợi ích. Đối với người dân, khi cần khám chữa bệnh có thể dịch chuyển thông suốt trong hệ thống y tế, các thông tin về sức khỏe người bệnh được cung cấp cho thầy thuốc nhanh chóng, chính xác, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị người bệnh, giúp họ được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phối hợp, phát hiện bệnh sớm, hiệu quả điều trị cao, bớt chi phí tiền túi của mỗi cá nhân cho việc khám chữa bệnh.
Đối với ngành y tế, việc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục giúp hầu hết các bệnh viện thông thường sẽ được phát hiện sớm và giải quyết sớm ngay tại tuyến khám chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh tật nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện và giảm áp lực đối với ngành y tế. Mặt khác, khi thông tin sức khỏe của người bệnh thông suốt các tuyến, giúp việc chẩn đoán chính xác, phối hợp điều trị thống nhất, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn.
Đối với Quỹ BHYT, việc chẩn đoán điều trị bệnh sớm sẽ đơn giản hơn, hạn chế bớt việc sử dụng kỹ thuật cao, do vậy giảm bớt chi phi khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời, khi thông tin người bệnh thông suốt, giúp quản lý chi phí dễ dàng hơn, hạn chế bớt việc gian lận.
Đối với xã hội, việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân và quản lý sức khoẻ toàn diện liên tục giúp cải thiện sức khỏe, giúp giảm bớt chi phí xã hội cho việc khám chữa bệnh và giúp đảm bảo sức khỏe cho mỗi người dân.
“Việc chẩn đoán điều trị bệnh sớm sẽ đơn giản hơn, hạn chế bớt việc sử dụng kỹ thuật cao, do vậy giảm bớt chi phi khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời, khi thông tin người bệnh thông suốt, giúp quản lý chi phí dễ dàng hơn, hạn chế bớt việc gian lận, lạm dụng Quỹ khám chữa bệnh BHYT”.
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế