Lập 47 công ty để buôn lậu, 2 cựu công an TPHCM hầu tòa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - 2 cựu công an công tác tại Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM là bị cáo trong vụ án “Buôn lậu”. Cựu đại úy Hoàng Duy Tiến thừa nhận hành vi buôn lậu, còn cựu trung tá công an Võ Văn Đông phủ nhận cáo buộc.

Sáng nay (25/5), TAND TPHCM mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử 2 cựu công an từng công tác tại Đội cảnh sát chống buôn lậu (Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM), là Hoàng Duy Tiến (37 tuổi, cựu đại úy), Võ Văn Đông (55 tuổi, cựu trung tá) và 24 đồng phạm về tội “Buôn lậu”.

Hội đồng xét xử (HĐXX) phiên tòa do thẩm phán Huỳnh Công Trực làm chủ tọa. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa là 2 Kiểm sát viên Trần Thị Liên và Hoàng Di Linh. HĐXX cho biết, thời gian dự kiến kết thúc phiên tòa là ngày 30/5.

Lập 47 công ty để buôn lậu, 2 cựu công an TPHCM hầu tòa ảnh 1

Các bị cáo tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, từ quan hệ quen biết với một số cá nhân là chủ cơ sở kinh doanh máy móc, thiết bị cũ, Hoàng Duy Tiến biết nhóm người này có nhu cầu tìm người có khả năng nhập khẩu máy móc thiết bị cũ về tiêu thụ trong nước.

Tiến đã thỏa thuận với các chủ hàng, thông qua các doanh nghiệp do Tiến thành lập, để nhập khấu máy móc thiết bị đã qua sử dụng bằng hình thức kê khai gian dối là hàng nhập khầu nhằm mục đích đưa vào sản xuất, sau đó Tiến sẽ giao hàng lại cho các chủ hàng. Chi phí các chủ hàng trả cho Hoàng Duy Tiến là 78 -90 triệu đồng/container, tùy theo thời điểm. Hoàng Duy Tiến đã thuê một số đối tượng giúp Tiến trong việc làm thủ tục thành lập các công ty, làm hồ sơ nhập khẩu, làm thủ tục hải quan, giao dịch thanh toán chi phí cho các hoạt động liên quan…

Lập 47 công ty để buôn lậu, 2 cựu công an TPHCM hầu tòa ảnh 2

Cựu đại úy công an - bị cáo Hoàng Duy Tiến tại phiên tòa.

Theo quy định, hàng hóa nhập có thiết bị, máy móc cũ được sản xuất không quá 10 năm. Do các chủ hàng hầu hết nhập các máy móc, thiết bị cũ đã sản xuất trên 10 năm nên Tiến chỉ đạo các nhân viên khi làm hồ sơ hải quan nhập các container hàng về Việt Nam thì chỉnh sửa năm sản xuất của hàng hóa trên hồ sơ đều dưới 10 năm, thành đủ điều kiện nhập. Đồng thời để giảm chi phí đóng thuế, Tiến chỉ đạo khai trị giá hàng nhập thấp hơn rất nhiều giá trị thật.

Ngày 24/5/2021, Hoàng Duy Tiến cùng các nhân viên của Tiến, sử dụng pháp nhân của 3 công ty do Tiến lập ra (gồm Công ty Đại Lợi, Hoàng Kim, Gia Cát Thành), đăng ký mở 7 tờ khai Hải quan, làm thủ tục nhập khẩu trái phép một lượng lớn hàng hóa là máy móc, thiết bị cũ trong 7 container hàng, khai báo mục đích là sử dụng sản xuất, nhưng thực tế là nhập khẩu cho một số đối tượng (các chủ hàng) tại Việt Nam. Cơ quan chức năng tạm dừng thủ tục thông quan các container hàng trên để kiểm tra, lập biên bản ghi nhận sự việc và tạm giữ toàn bộ hàng hóa, chuyển Cơ quan CSĐT Công an TPHCM thụ lý điều tra theo thẩm quyền.

Trong vụ án này, Hoàng Duy Tiến là chủ mưu của vụ án. Từ tháng 9/2019 đến ngày 24/5/2021, Tiến đã sử dụng tư cách pháp nhân của 45 công ty mở 1.153 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam 1.287 container hàng, với tổng trị giá tài sản hàng hóa nhập lậu là 218 tỷ đồng.

Lập 47 công ty để buôn lậu, 2 cựu công an TPHCM hầu tòa ảnh 3
Hải quan TPHCM kiểm tra container hồi tháng 5/2021.

Theo cáo trạng, bị cáo Đông không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, phủ nhận việc có liên quan hay có thỏa thuận gì với Tiến về việc nhập khẩu hàng hóa máy móc cũ từ nước ngoài về Việt Nam.

Cáo trạng nêu, Đông và Tiến cùng công tác tại Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM. Đông gặp Tiến nói là Đông có người bạn có nhu cầu cần nhập khẩu các container hàng máy móc cũ từ nước ngoài vào Việt Nam, nên gợi ý hỏi Tiến để thỏa thuận nhận làm và Tiến đồng ý nhận nhập khầu các container hàng từ nước ngoài về Việt Nam cho Võ Văn Đông. Từ tháng 2/2021 đến ngày 24/5/2021, Tiến đã làm thủ tục, hồ sơ nhập khầu và vận chuyển trót lọt về kho cho Đông 6 container hàng máy móc thiết bị cũ, trị giá hàng hóa là 924 triệu đồng.

MỚI - NÓNG