Nổi danh tỷ phú làm giàu từ biển, quản lý tổ đội 16 tàu tổng công suất trên 6.000 CV, nay lão ngư Bùi Thanh Ninh (thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) khiến nhiều người bất ngờ khi viết đơn đề nghị xin 200m2 đất trên đảo Song Tử Tây (Trường Sa - Khánh Hòa) để dựng nhà dịch vụ, giúp ngư dân bám biển dài ngày và kết nối đảo với đất liền…
Sau ba giờ đồng hồ vật lộn với con đường quốc lộ đang thi công dở dang, đầy luống cày và bụi đất, chúng tôi cũng tìm được đến xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn). Lão ngư Sáu Ninh - cách gọi thân tình của ngư dân vùng biển này - ra tận đầu làng đón, dẫn chúng tôi vào. Trên chiếc xe Vespa màu trắng, vóc dáng mảnh, thư sinh khiến chúng tôi khó hình dung về một lão ngư ăn sóng nói gió, dám nghĩ dám làm như từng được nghe “ngư dân đồn thổi”.
Từ hai bàn tay trắng
Tam Quan Bắc vừa được công nhận là xã đạt các tiêu chí nông thôn mới. Những ngôi nhà khang trang, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ mọc lên khiến xóm biển trở nên sôi động và giàu có thấy rõ.
Ông nói ở đây 90% dân đi biển nên có giàu cũng nhờ biển mà có. Người ra biển, người làm dịch vụ buôn bán ngư lưới cụ, máy móc phục vụ tàu thuyền, thu mua hải sản linh hoạt, năng động… mới đủ tiền sắm sửa, nuôi con cái ăn học nên người.
Riêng nhà ông có ba người con, thì một là thạc sỹ, trưởng phòng tổ chức của Trường ĐH Quang Trung, một là nhân viên Ngân hàng BIDV, cậu út đã tốt nghiệp Học viện Hành chính TPHCM, đang học lên cao học. Trở thành tỷ phú từ nghề đi biển, sao không hướng cho con cái theo nghiệp cha? - tôi hỏi.
Ông cười, vì thấy nhắc đúng câu hỏi của hàng trăm người từng hỏi “Không hẳn cha mẹ lam lũ với biển thì cứ phải gò cho được con cái theo cái nghiệp của mình. Mỗi đứa có mỗi ước mơ, điều quan trọng là việc nó làm sau này có giúp ích được gì cho xã hội không” - ông nói.
Ngôi nhà hai tầng của ông Sáu Ninh nằm sát ngay xưởng đóng tàu Hoài Nhơn. Ga-ra được xây dựng lớn để đủ chỗ cho hai chiếc xe con 4 chỗ và 7 chỗ. Ông khoe giờ cả nhà đã có giấy phép lái xe ô tô, đi đâu xa tự lái, nên rất tiện, an toàn lại tiết kiệm thời gian.
Chuyện lướt net xem thông tin giờ không còn xa lạ trên vùng đất ven biển này nữa. Nhưng vui nhất là mỗi lần đón các đoàn khách tới thăm, động viên chúc mừng, ông chỉ tay lên tấm ảnh vợ chồng ông chụp cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được treo ngay ngắn trên tường cùng dãy bằng khen các cấp.
Sinh ra ở vùng quê biển Tam Quan Bắc, 15 tuổi cậu bé Ninh đã leo lên chiếc ghe nhỏ theo ra biển mưu sinh, trong lòng không khỏi ước mơ có một con tàu của riêng mình, vươn khơi đánh bắt những mẻ cá lớn. 19 tuổi, ông nhập ngũ làm nghĩa vụ tại Campuchia.
Xuất ngũ trở về lại với hai bàn tay trắng, ông bắt đầu những chuyến buôn dài ngày, mang cá ra Bắc bán. Sau đó ông chuyển sang mặt hàng hải sản đông lạnh. Nhiều năm dành dụm cũng được ít vốn, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng đóng chiếc tàu đầu tiên 30 CV.
Vừa để tiết kiệm tiền, vừa muốn có chiếc tàu theo thiết kế của riêng mình nên ông tự tay đi mua gỗ, vẽ mẫu thiết kế và thuê thợ về đóng. Cái danh ông Ninh đóng tàu cũng nổi lên từ đó, ngư dân các nơi đổ về nhờ đóng tàu lại mở ra cho ông cơ hội kiếm thêm thu nhập.
Quan sát chuyện đánh bắt của ngư dân, ông mở thêm các dịch vụ cung ứng xăng dầu, lương thực thực phẩm và bao tiêu luôn cả sản phẩm. Tổ đội đánh bắt đầu tiên được ra đời với 3 tàu, bắt đầu vươn khơi đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Giàu lên để xóm giềng được nhờ
“Ngư dân Bùi Thanh Ninh đúng là hình mẫu của ngư dân hiện đại. Quản lý đội tàu lớn nhất nhì của tỉnh, tạo việc làm cho hàng trăm ngư dân trong vùng đã là việc khó, nay đệ đơn xin đất trên đảo vừa giúp ngư dân vươn khơi bám biển lâu dài và thể hiện trách nhiệm với chủ quyền, đó là việc ít ai làm được”.
Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó GĐ Sở NN&PTNT
kiêm Chủ tịch Hệp hội Thủy sản Bình Định
Giờ thì Sáu Ninh đã nổi tiếng khắp tỉnh. Mới đây ông được bầu là đại diện nông dân Việt Nam xuất sắc của tỉnh Bình Định (do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bầu chọn).
Sở hữu 10 tàu cá, cùng 6 tàu trong tổ đội đánh bắt, tổng cộng 16 tàu với tổng công suất trên 6.000 CV, sản xuất chính là câu cá ngừ đại dương và lưới rút.
Nhẩm tính, tổng sản lượng đánh bắt bình quân mỗi năm trên 1 nghìn tấn hải sản, trừ chi phí và trả công cho thuyền viên ông thu về 500 triệu đồng mỗi năm.
Tỷ phú làng chài Bùi Thanh Ninh
Để quản lý đội tàu hùng hậu, ông tự trang bị máy Icom, Radio kết nối liên lạc trực tiếp với các tàu hoạt động ngoài khơi, thường xuyên cập nhật tin tức và nắm bắt tình hình thông qua Đài Duyên hải khiến việc quản lý trở nên dễ dàng.
Ông chỉ vào chiếc bản đồ trải ngay ngắn và ép kính trên mặt bàn, nói: “Ngồi ở đây nhưng tôi có thể biết được vị trí hoạt động của từng tàu. Gặp sự cố gì sẽ kêu gọi các tàu xung quanh tới hỗ trợ và kịp thời liên lạc với cơ quan chức năng cùng xử lý nếu cần”.
Mỗi tài công (quản lý tàu) của Sáu Ninh thường có 25% đến 50% số vốn góp, điều này tăng thêm tính trách nhiệm trong làm ăn. Ông bật mí, ngoài việc khuyến khích chiêu mộ các tài công, thuyền viên bám biển cần tạo dựng niềm tin và cả trách nhiệm với bạn tàu.
Hiện có 200 lao động trực tiếp tham gia trên đội tàu Sáu Ninh, ngoài ra 50 người khác xin đảm nhận các công việc dịch vụ hậu cần trong bờ. Theo ông, chất kết nối bạn tàu lâu bền chính là việc gây dựng niềm tin.
Ngoài tạo thu nhập ổn định, mỗi dịp lễ tết ông đều không quên chu cấp quà, hỗ trợ tiền, sẵn sàng giúp đỡ những ngư dân có hoàn cảnh khó khăn để dựng nhà, vốn mưu sinh.
Anh Lý Ngọc Vinh vừa trở về sau chuyến đi biển dài ngày chia sẻ: Hai vợ chồng mình gắn bó với đội tàu bác Sáu Ninh lâu rồi. Mình là thuyền trưởng, vợ ở nhà phụ giúp các công việc hậu cần trong bờ. Trước kia lam lũ mưu sinh, lại không có vốn liếng được bác Ninh giúp đỡ rất nhiệt tình. Giờ kinh tế gia đình đã khá hơn, vợ chồng vẫn mang ơn bác nhiều”.
“Mình cũng từ cái nghèo mà, nên càng phải thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau. Việc mưu sinh cũng tạm ổn rồi, kinh tế cũng chỉ là một phần thôi, cốt là mình làm được gì cho dân mình, sống thế nào cho ý nghĩa” – ông tâm sự.
Xin đất dựng nhà ở Trường Sa
Hỏi ông chuyện xin đất xây nhà trên đảo Song Tử Tây, ông nói mới nghe phía Sở phong thanh rằng Hải quân vùng 4 đã đồng ý, không chỉ cấp đất mà còn giúp cất nhà nên đang sướng rơn người. Thấy ngư dân gắn bó với biển thời gian nhiều hơn trên đất liền, yêu từng mét nước, xem biển là nhà nên nảy sinh ý định xin đất dựng nhà dịch vụ, làm nơi nghỉ chân cho ngư dân, hơn nữa cũng là cách kết nối đảo với đất liền.
Nghĩ thế, ông bèn viết đơn gửi UBND tỉnh nhờ trình lên Bộ Quốc phòng, Hải quân vùng 4 để được bố trí xin đất trên đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa).
Trong đơn ông ghi rõ “…Nguyện vọng tôi xin một lô đất 200m2 tại huyện Trường Sa thuộc đảo Song Tử Tây, nhằm mục đích: Một là, xây dựng trạm cho tổ đội đánh bắt thủy sản ra vào. Hai là, để giảm bớt chi phí nguyên liệu. Ba là, thời gian bám biển dài ngày hơn. Bốn là, nối đảo với đất liền gần nhau. Năm là, để khẳng định chủ quyền Tổ quốc và chủ trương bám biển”.
Đơn đề nghị của ông được ông Phan Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc xác nhận ngày 18/7/2014. Huyện Hoài Nhơn tiếp tục trình UBND tỉnh xem xét.
Khi được hỏi để xác tín và khẳng định thêm thông tin ông xin đất dựng nhà nơi đảo xa, ông Ninh tái khẳng định: “Chưa có văn bản chính thức nhưng mới đây nghe một cán bộ Sở Nông nghiệp phong thanh rằng Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4 đã đồng ý. Nguyện vọng mình chỉ xin đất nhưng họ đồng ý hỗ trợ để xây cả nhà nên tôi vui lắm. Lại sắp có chuyến ra Trường Sa rồi” - ông khấp khởi, mắt dõi về phía biển. Có thể ông còn phải chờ phải đợi với những quy trình, thủ tục, nhưng những ngư dân như ông đã có những ngôi nhà nơi tiền tiêu đầu sóng ngọn gió neo bám trong tâm thức mình, vững bền.
Ngày 18/7/ 2014 ông Bùi Thanh Ninh viết đơn gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, UBND tỉnh Bình Định , UBND xã Tam Quan Bắc trình bày nguyện vọng xin 200m2 đất tại huyện đảo Hoàng Sa , thuộc xã đảo Song Tử Tây.
Đơn có xác nhận của Chủ tịch UBND xã Phạm Ngọc Bảo. Ngày 18/7/2014 UBND huyện Hoài Nhơn có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc xin giao đất xây dựng Trạm dịch vụ hậu cần nghề cá tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa do PCT UBND huyện Phạm Trương ký. Ngày 1/8/2014 UBND tỉnh Bình Định có văn bản gửi Bộ Tư lệnh Hải quân quan tâm xem xét.
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: “Một ngư dân chân chất nhưng có ý định xin đất, xây dựng trạm dịch vụ làm chỗ nghỉ chân cho ngư dân, kết nối biển đảo với đất liền, đó là ý tưởng rất hay và táo bạo, xưa giờ trong tỉnh chưa có ai dám làm được như vậy. Phía chính quyền sẽ liên hệ với các cơ quan để hỗ trợ nguyện vọng chính đáng đó”.