Từ 'Con đường gốm sứ' đến Quốc kỳ trên đảo Trường Sa Lớn

TP - Nữ họa sỹ Nguyễn Thu Thủy đã từng 4 lần tới Trường Sa, mang ra đây lá cờ gắn gốm rộng 310m2, tấm bản đồ bằng gốm nung kích thước 2,3 x 1,9m và hai bức tranh gốm “Trường Sa - Sức mạnh Việt Nam”.
Từ 'Con đường gốm sứ' đến Quốc kỳ trên đảo Trường Sa Lớn ảnh 1

Họa sỹ Thu Thủy làm lá cờ gốm ở Trường Sa

Những ngày này, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy, tác giả của công trình “Con đường gốm sứ” Hà Nội đang bận rộn với tác phẩm “Đài phun nước hoa sen” ở công viên phố Mai Xuân Thưởng và công trình “Trái tim Tình yêu Hà Nội” bên hồ Trúc Bạch. Đam mê với những công trình nghệ thuật công cộng ở Thủ đô, nhưng nữ họa sỹ này đã từng 4 lần tới Trường Sa, mang ra đây lá cờ gắn gốm rộng 310m2, tấm bản đồ bằng gốm nung kích thước 2,3 x 1,9m và hai bức tranh gốm “Trường Sa - Sức mạnh Việt Nam”. Nhân kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, chị chia sẻ với Tiền Phong về hành trình của những tác phẩm nghệ thuật gốm sứ từ Hà Nội đến Trường Sa...

Ý tưởng làm quốc kỳ gắn gốm ở Trường Sa của tôi hình thành từ tháng 7 năm 2011. Tôi muốn tận dụng không gian thứ năm của công nghệ số để bất kỳ ai khi tìm kiếm trên google, hay chụp ảnh từ vệ tinh, hoặc đi trên máy bay, đều có thể nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh của Việt Nam trên đảo Trường Sa. Niềm vui đã đến vào cuối tháng 12 năm đó. Bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân tạo điều kiện cho hai thành viên công ty TNHH nghệ thuật Tân Hà Nội ra đảo Trường Sa lớn để khảo sát vị trí đặt cờ và tranh gốm. 


Trở về đất liền, những thành viên trong dự án quốc kỳ Việt Nam và tranh gốm tại đảo Trường Sa Lớn bắt tay ngay vào việc. Những viên gốm mosaic nhỏ 3cm x 3cm và 1cm x 6cm với màu đỏ và vàng tươi cùng một số màu dựa trên những phác thảo của 4 bức tranh gốm đã được chuyển về ghép cờ và tranh gốm tại xưởng 39A Hồng Hà, nơi đã ghép tác phẩm con đường gốm sứ - công trình nhận được giải thưởng “Bùi Xuân Phái” vì tình yêu Hà Nội” năm 2008. Sau hơn một tháng chuẩn bị, những tấm gốm được cắt ra thành những tấm 1m x 1m và được đóng gói cẩn thận trong bao ni lông và trong thùng gỗ bắt đầu hành trình dài để đến Trường Sa”. 

Khác với “Con đường gốm sứ” đã được công nhận kỷ lục thế giới với đoạn đường vận chuyển chỉ vỏn vẹn 10 km, quốc kỳ ghép bằng gốm, công trình đặc biệt ý nghĩa này, đã đi gần 2.000 km từ Bắc vào Nam bằng tàu hỏa, bằng ô tô rồi tiếp tục theo năm chuyến tàu biển của hải quân vượt hàng trăm hải lý để cập đảo Trường Sa Lớn. Có những khi do sóng gió Trường Sa rất khắc nghiệt, tàu không thể cập được vào cầu cảng Trường Sa. Các chiến sĩ ở đảo phải chuyển bằng xuồng đưa thùng gốm lên đảo. Đã có 94 kiện gốm được chuyển đến. Mỗi kiện nặng trên 30 kg. Xi măng, nguyên liệu phụ khác mang ra Trường Sa cùng với cả gốm tổng cộng là 10 tấn. Hai tháng miệt mài làm việc ngày đêm tại Trường Sa, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, khi thì nắng gắt, lúc là những trận mưa rào xối xả, công trình trên nóc tòa nhà trung tâm của đảo Trường Sa Lớn đã hoàn thành đúng tiến độ trong niềm vui của cán bộ, chiến sĩ cùng bà con nhân dân trên đảo. 

Từ 'Con đường gốm sứ' đến Quốc kỳ trên đảo Trường Sa Lớn ảnh 2 Họa sỹ Thu Thủy bên bức tranh gốm ở Trường Sa

Cảm giác của chị khi lá cờ gốm được gắn thành công trên đảo Trường Sa? 

Tôi đã bật khóc. Lúc đó tôi vô cùng hạnh phúc và xúc động khi nhìn thấy lá cờ nổi bật trên nền xanh diệp lục cây cối đầy sức sống của đảo Trường Sa Lớn. Hòn đảo hiện lên thật thiêng liêng, như một trái tim và nổi bật là lá cờ đỏ thắm bằng chất liệu gốm sứ, một chất liệu truyền thống có tính bền vững lâu đời của cha ông. Chắc chắn nó góp phần là một tiếng nói khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước thông qua ngôn ngữ nghệ thuật.

Sau lá cờ, chị lại tiếp tục mang đến Trường Sa tấm bản đồ Việt Nam bằng gốm sứ? 

Về mặt tạo hình, tôi rất yêu hình dáng tấm bản đồ Việt Nam. Đó là dáng cong hình chữ S thẳng đứng gần như vuông góc với đường xích đạo, ôm trọn đường bờ biển. Một dáng hình vừa vững chãi mạnh mẽ, vừa mềm mại bay bổng. 

Với tôi, bản đồ Việt Nam thiêng liêng hơn cả mọi sự thiêng liêng trên đời. Ở đó sản sinh ra một dân tộc anh hùng, sáng tạo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chịu biết bao hy sinh gian khổ để gìn giữ bảo vệ biên cương lãnh thổ, chính là để bảo vệ tấm bản đồ Việt Nam vô cùng quý giá và thiêng liêng này.  

Tôi rất xúc động khi biết phi công Nguyễn Văn Phượng - Phó trưởng Phòng tuyên huấn Sư đoàn KQ 370 tâm sự: “Khi bay ra quần đảo Trường Sa, bất chợt nhìn thấy lá cờ gốm sứ tôi xúc động lắm. Lá cờ đỏ rất to, bay ở độ cao 8.000m vẫn thấy rõ. Mỗi khi nhìn người tôi như nổi gai, cảm xúc rất mạnh. Có lá cờ Việt Nam đó là Tổ quốc của mình”.

Nhưng làm tấm bản đồ không chỉ là một công trình nghệ thuật mà trước hết phải tuân thủ độ chính xác, tính khoa học của bản đồ, vừa thể hiện được vẻ đẹp của những tấm gốm ghép lại, thể hiện men màu đúng với độ nông sâu của mực nước biển. Tôi đã có sáng kiến dùng kỹ thuật in trên gốm nặng lửa để nắn nót in từng địa danh, từng tên đảo, bán đảo, quần đảo, bãi cạn, bãi ngầm. Tôi thực sự xúc động khi in tên từng đảo chìm đảo nổi trên quần đảo Trường Sa, nơi tôi từng được đến...?

Bản đồ gốm sứ do chúng tôi thực hiện là theo mẫu Bản đồ Biển đảo Việt Nam của Bộ Tư lệnh Hải quân. Tôi cùng họa sĩ Phan Thanh Sơn và nhóm sinh viên Đại học mỹ thuật Công nghiệp đã phải làm đi làm lại mấy lần để tính toán sao cho sau khi nung, vị trí các đảo được chuẩn xác theo kinh độ, vĩ độ. 

Sau lá cờ và tấm bản đồ lại tiếp 2 bức tranh gốm ra Trường Sa, dường như hành trình của chị với Trường Sa chưa bao giờ kết thúc?

Hai bức tranh gốm “Trường Sa- Sức mạnh Việt Nam” gồm 9 nhân vật, đại diện cho các tầng lớp nhân dân với những ngành nghề khác nhau, những lực lượng vũ trang cùng kề vai sát cánh tạo nên một sức mạnh đoàn kết dân tộc, được hun đúc từ tình yêu Tổ quốc và niềm tự hào dân tộc, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Trung tâm bức tranh là em bé trai với nụ cười tươi, ôm chim bồ câu trắng tung cánh bay. Hình ảnh tượng trưng cho khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

9 nhân vật với nụ cười rạng rỡ, gương mặt, ánh mắt sáng ngời niềm tự hào dân tộc dưới lá quốc kỳ Việt Nam đỏ thắm với ngôi sao vàng năm cánh. Bên cạnh họ là tài nguyên biển giàu có, trong đó nổi bật là những giàn khoan dầu khí, cùng các tàu nổi tàu ngầm hiện đại của hải quân. Bảo vệ vững chắc vùng biển vùng trời của Tổ quốc, không chỉ là bảo vệ lãnh thổ mà còn là bảo vệ quyền lợi kinh tế sống còn của đất nước”.

Mỗi mét vuông tranh gốm được ghép công phu từ 250.000 viên gốm nhỏ 2x2cm. Tổng cộng hai bức tranh được ghép từ gần một triệu viên gốm nhỏ được nung ở nhiệt độ trên 1.200 độ C. Mức nhiệt này tạo nên độ bền vững của bức tranh gốm trong nắng gió biển Đông. 

Tôi đã 4 lần đến Trường Sa, mỗi lần trở lại Trường Sa, tôi lại được truyền thêm những cảm hứng sáng tạo mới. Hành trình của tôi từ Hà Nội đến Trường Sa sẽ không bao giờ kết thúc. 

Chị nghĩ gì về các ý kiến khen chê đối với công trình “Con đường gốm sứ Hà Nội”? 

Tôi là người có điều kiện được đi nhiều và quen nhiều nghệ sĩ làm nghệ thuật công cộng ở Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Hà Lan...Họ đều chia sẻ rằng, công trình nghệ thuật công cộng như đứa con tinh thần được đặt ở nơi đông người nên, bao giờ cũng nhận được nhiều lời khen tiếng chê và đương đầu với thời tiết khắc nghiệt. Không phải công trình nghệ thuật làm ra có thể toàn bích và vĩnh cửu. Như con đường gốm sứ ở trục đường xe cô đi lại rất nhiều, có độ rung lớn nên sẽ xuống cấp, cần duy tu bảo dưỡng. Thành phố Hà Nội đã giao cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch kết hợp với chúng tôi để duy tu bảo dưỡng con đường gốm sứ nên chắc chắn thời gian tới con đường sẽ đẹp như ban đầu. Ở Thành phố Chicago (Mỹ), các bạn nghệ sỹ của tôi cũng đang tu sửa một con cá hồi gắn gốm khổng lồ, dù đặt ở nơi yên tĩnh, không có xe cộ đi lại. Lớp gốm mosaic chỉ mỏng 6mm, vì vậy việc một vài mảng bị bong ra thì việc duy tu sửa chữa để gắn lại là hết sức đơn giản, không đáng lo ngại. Quan trọng nhất là thái độ trân trọng gìn giữ của mọi người. 

Xin cảm ơn chị. 

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.