Lao đao tìm việc do ảnh hưởng dịch COVID-19

Đào Phương Thảo, tân cử nhân ngành Quản lý nguồn nhân lực (Trường đại học Lao động -Xã hội) đang đứng trước nguy cơ không có việc làm.
Đào Phương Thảo, tân cử nhân ngành Quản lý nguồn nhân lực (Trường đại học Lao động -Xã hội) đang đứng trước nguy cơ không có việc làm.
TPO - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường việc làm cho sinh viên trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn khi các công ty đều có xu hướng tinh giảm nhân sự. Ngay cả đối với những sinh viên đang nắm chắc cơ hội việc làm cũng đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Vất vả tìm việc

Tốt nghiệp ngành Quản lý nguồn nhân lực (đại học Lao động-Xã hội), Đào Phương Thảo (22 tuổi) đã phải đối mặt với nguy cơ không tìm được việc làm. Trước đó, Thảo đi thực tập và được giữ lại làm việc cho một công ty ở Hà Nội. Nhưng do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020, hoạt động kinh doanh công ty bị ảnh hưởng nặng nề khiến Thảo mất việc.

“Vừa mới ra trường, ít kinh nghiệm nên em nằm trong nhóm nhân viên bị cắt giảm nhân sự. Mong muốn tìm được công việc phù hợp với ngành học của mình em đã đi nộp hồ sơ 4-5 chỗ nhưng chưa có kết quả”, Thảo chia sẻ.

Trong khi chờ đợi công việc phù hợp Thảo buộc chấp nhận làm CTV cho một doanh nghiệp với mức lương 3.5 triệu để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt.

Ngành du lịch, khách sạn gần như đóng băng trong thời gian dịch bệnh bùng phát khiến sinh viên mới tốt nghiệp như Phùng Linh Linh (sinh viên ngành Du lịch, Trường đại học Văn hóa Hà Nội) không rõ sắp tới, liệu có thể tìm kiếm được công việc cho bản thân. Hoàn thành 3 tháng thực tập tại một công ty lữ hành, Linh đã thuần thục với công việc của người hướng dẫn viên và tin tưởng vào khả năng phát triển sự nghiệp ở đó.

Lao đao tìm việc do ảnh hưởng dịch COVID-19 ảnh 1 Phùng Linh Linh (bên trái), tân cử nhân ngành Du lịch, Trường đại học Văn hóa Hà Nội

Song những kì vọng đầu đời của cô nữ sinh nhanh chóng vụt mất dưới tác động của dịch bệnh. Công ty điêu đứng, còn những nhân viên mới như Linh không còn sự lựa chọn nào khác ngoài tìm kiếm một công việc mới. “Hơi thất vọng một chút, nhưng ngành du lịch vào lúc này không tránh khỏi khó khăn. Hi vọng dịch bệnh mau chóng kết thúc để bọn mình có thể quay trở lại với công việc yêu thích”, Linh Linh chia sẻ.

Câu chuyện của Thảo và Linh chỉ là đại diện cho bức tranh toàn cảnh, sự khó khăn tìm việc làm của những tân cử nhân dưới những tác động của dịch COVID -19.

“Hãy coi đây là một lần tập duyệt”

Trong khi chờ đợi nền kinh tế phục hồi và cơ hội xin việc dễ hơn, nhiều bạn sinh viên đã lựa chọn về quê phụ giúp gia đình hoặc tìm một công việc tạm thời thay thế, cố gắng bám trụ lại thành phố. Có suy nghĩ tích cực hơn, nhiều người cho đây là cơ hội tốt để sinh viên tốt nghiệp tận dụng thời gian tham gia vào các hoạt động xã hội, trau dồi bản thân, giúp họ tăng khả năng kiếm việc sau khi dịch bệnh ổn định.

Trao đổi về vấn đề này, TS Bùi Trung Hải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Hướng nghiệp và Việc làm (Trường đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng dịch bệnh COVID -19 đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường lao động. Đặc biệt khu vực kinh doanh dịch vụ, du lịch, lữ hành đang ở những nốt trầm so với những năm gần đây.

Lao đao tìm việc do ảnh hưởng dịch COVID-19 ảnh 2 TS Bùi Trung Hải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Hướng nghiệp và Việc làm Trường đại học Kinh tế Quốc dân.

“Nguồn cung nhân lực từ phía các trường cao đẳng, đại học luôn ở mức ổn định. Trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động từ phía các doanh nghiệp đang có chiều hướng chững lại do phải cân đối nhân sự. Điều đó kéo theo hệ quả thị trường việc làm vốn đã cạnh tranh, nay lại càng khốc liệt hơn”, TS Bùi Trung Hải nói.

“Khó khăn nhưng không đồng nghĩa với không có cơ hội việc làm. Sinh viên mới ra trường cũng nên suy nghĩ đến việc chuyển dịch sang các ngành nghề khác so với chuyên ngành đào tạo. Tạm thời nên hạ thấp các tiêu chí, kỳ vọng vào nhà tuyển dụng để có được công việc phù hợp”.

TS Hải đưa ra dự đoán, thời điểm hậu COVID sẽ diễn ra sự bùng nổ về nhu cầu tuyển dụng. Chính vì vậy các bạn sinh viên không nên quá bi quan mà coi đây là một lần tập duyệt cho những bất ổn việc làm trong trương lai. Đồng thời dành khoảng thời gian này để học hỏi, bổ sung thêm kiến thức phục vụ bản thân sau này. Ví dụ như: nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp, kiến thức tin học, thái độ đối với công việc,...

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.