Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện Việt Nam có trên 55,3 triệu người trong độ tuổi LĐ (chiếm 75,39% dân số). Tuy vậy, tỷ lệ LĐ qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ mới đạt hơn 23,7% tổng lực lượng LĐ, trong đó trình độ đại học chiếm gần 11%, cao đẳng chỉ chiếm 3,8%, trung cấp 4,3%, sơ cấp nghề 4,5%. So với các nước trong khu vực ASEAN, tỷ lệ LĐ qua đào tạo của Việt Nam khá thấp, dù có lực lượng LĐ nhiều thứ 3 khu vực (tỷ lệ LĐ qua đào tạo ở nhiều nước chiếm 50%). Cơ cấu LĐ qua đào tạo và xu hướng chuyển dịch còn bất hợp lý, tỷ lệ LĐ có trình độ cao ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành chủ lực của quá trình phát triển chỉ chiếm 9% tổng số LĐ (trong khi các nước phát triển từ 40-60%). Tình trạng thiếu thợ, tâm lý trọng bằng cấp, công tác hướng nghiệp, phân luồng chưa tốt dẫn đến mất cân đối về lực lượng LĐ, năng suất LĐ thấp.
Theo kết quả điều tra của Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp (GDNN, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) thực hiện năm 2019 cho thấy: tới năm 2021, thị trường LĐ Việt Nam cần tuyển mới trên 815.000 LĐ qua đào tạo nghề trọng điểm (trong đó trình độ cao đẳng chiếm hơn 44%); năm 2022 cần tuyển trên 817.000 người (trình độ cao đẳng chiếm hơn 42,9%). Trong đó, tập trung 1 số ngành nghề như: may thời trang, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật xây dựng, vận hành máy xây dựng, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, hàn, kỹ thuật máy lạnh, điện tử công nghiệp…
Để thúc đẩy đào tạo nghề và sử dụng LĐ qua đào tạo, Bộ luật LĐ sửa đổi năm 2019 đã quy định “cấm” sử dụng LĐ chưa qua đào tạo, hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia với một số ngành nghề, công việc. Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) đang hoàn thiện dự thảo Thông tư danh mục ngành nghề sử dụng LĐ phải qua đào tạo để trình Bộ LĐ-TB&XH ký ban hành.
Để thu hút và tạo điều kiện cho học sinh theo học nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo của kinh tế đất nước, hiện người học nghề cũng được áp dụng một số chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86/2015. Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính xây dựng trình quy định thay thế Nghị định 86. Tổng cục GDNN đang xây dựng báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 86 trong lĩnh vực GDNN và đề xuất phương hướng giá dịch vụ đào tạo sau năm 2021 trình các bộ ngành liên quan. Với quy định mới, một số chính sách quản lý, học phí trong lĩnh vực GDNN được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp cơ chế thị trường, phù hợp từng địa bàn, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tăng có lộ trình; trường tự chủ sẽ khác trường chưa tự chủ. Tiếp tục duy trì chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số, học sinh nghèo…
Cùng với đó, để thu hút người học nghề đáp ứng nhu cầu thị trường LĐ, chính sách phân luồng trong GDNN được đặc biệt quan tâm. Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo các bộ ngành ban hành văn bản triển khai thực hiện việc phân luồng học sinh, với mục tiêu: đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS và 40% học sinh tốt nghiệp THPT vào học GDNN; đến năm 2025 nâng tỷ lệ này lên tương ứng 40% và 45%. Các quy định về liên thông giữa các cấp trình độ, như trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học… đều đã được ban hành, đáp ứng nhu cầu học suốt đời.