Linh hoạt giải pháp giảm nghèo
Với người dân ở xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương thì, "thoát nghèo" hiểu đơn giản là có đủ tiền để trang trải cuộc sống gia đình, có tiền nộp học phí, mua sách vở, quần áo cho con đi học; xây được cái nhà vững chắc để ở...
Tuy nhiên, mơ ước giản đơn này không phải ai cũng làm được, nếu không có sự quyết tâm, nỗ lực mạnh dạn thay đổi tư duy làm kinh tế để thoát nghèo. Như ở thôn Nậm Đó có 69 hộ, thì có tới 55 hộ thuộc diện hộ nghèo. Nhưng tương lai đã tươi sáng hơn, bởi từ sự thay đổi tư duy, bà con trong thôn đã có thu nhập ổn định từ hơn 60 héc ta cây chè. một trong những cây trồng chủ lực của địa phương.
“Trồng chè được 5 năm nay, tôi thấy thu nhập khá hơn nhiều so với trồng cây ngô, cây lúa. Trước phải đi làm thuê, thu nhập thất thường vất vả, xa gia đình. Bây giờ cả thôn không ai đi lao động xa nữa mà tập trung vào chăm sóc, thu hái chè bán cho nhà máy”, anh Tẩn Khấy Sủ, Trưởng thôn Nậm Đó tâm sự.
Các Chương trình mục tiêu quốc gia là nguồn lực quan trọng cho giảm nghèo ở vùng “lõi nghèo” của Lào Cai |
Trong số 10 xã nghèo nhất của tỉnh Lào Cai hiện tại, thì huyện Mường Khương có tới 5 xã, là xã La Pan Tẩn, Tả Thàng, Tả Ngài Chồ, Dìn Chin và Lùng Khấu Nhin. Điểm chung của các xã này đó là giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, nhận thức của đồng bào còn hạn chế. Thay đổi tư duy cho bà con về sản xuất, phát triển kinh tế, là yếu tố then chốt để giải bài toán thoát nghèo mà các cấp ủy, chính quyền Lào Cai đã đặt ra và quyết tâm thực hiện.
Ông Thào Páo Dình, Chủ tịch UBND xã Tả Thàng cho biết: Thời gian qua, tỉnh, huyện đã phân công lãnh đạo chủ chốt theo dõi, chỉ đạo những khâu yếu, việc khó; phát huy được vai trò hạt nhân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã và đang tạo ra những đổi thay rõ nét tại những nơi được coi là lõi nghèo.
“Cơ chế, chính sách đã có rất nhiều, tỉnh, huyện cũng đã quan tâm chỉ đạo sát sao; bây giờ quan trọng là sự vào cuộc của người dân, thì chắc chắn việc giảm nghèo sẽ thành công”, ông Dình khẳng định.
Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai cho biết: Với hơn 70% lao động là người DTTS ở khu vực nông thôn, vùng cao, vùng sâu. Vì vậy, tỉnh Lào Cai đã tập trung vào công tác đào tạo nghề gắn với điều kiện môi trường thực tế vùng miền và liên kết với các doanh nghiệp để tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 65% tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề; số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 493 nghìn người, trong đó 66% lao động là người DTTS.
Phát huy hiệu quả các nguồn lực
Để giúp người dân ở khu vực “lõi nghèo” thoát nghèo, tỉnh Lào Cai đã tập trung triển khai đồng bộ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững qua các giai đoạn; đồng thời, có nhiều cách làm sáng tạo, hỗ trợ người dân giảm nghèo một cách hiệu quả. Từ năm 2019 đến nay, thông qua các nguồn lực đầu tư, đã có gần 600 công trình hạ tầng thiết yếu, với tổng kinh phí đầu tư hơn 1 nghìn tỷ đồng tại các xã nghèo được sửa chữa, xây dựng mới, phục vụ đắc lực cho đời sống và sản xuất của người dân. Đến hết năm 2021, số thôn, bản có đường trục giao thông cứng hóa đạt 89%; tỷ lệ thôn, bản có điện lưới đạt 93%; 100% số xã xóa phòng học tạm…
“Các Chương trình mục tiêu quốc gia đã khẳng định được vai trò hết sức quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện, giúp cho đời sống Nhân dân được nâng cao, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương”, bà Sùng Hồng Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát chia sẻ thông tin.
Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2023 sẽ cứng hóa 100% các tuyến đường giao thông nông thôn từ xã đến các thôn bản |
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu tạo sự đột phá trong tư duy lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp; chuyển từ nông nghiệp an sinh sang nông nghiệp hàng hóa.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển các ngành, hàng chủ lực như: Cây chè, cây dứa, cây chuối, cây quế, cây dược liệu, chăn nuôi lợn và phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững. Mục tiêu của Nghị quyết trong giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt khoảng 5,5%/năm. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2025 ước đạt 12.000 tỷ đồng.
“Cụ thể hơn là phát triển nông nghiệp gắn với vùng chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, phát triển mạnh các sản phẩm sạch, sản phẩm có nguồn gốc chất lượng cao và tạo ra sự liên kết giữa các vùng vùng sản xuất đủ lớn mạnh, có thương hiệu hàng hóa…”, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Lào Cai nhấn mạnh.
Năm 2022, tỉnh Lào Cai đang triển khai 03 Chương trình mục tiêu: Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Tỉnh xác định trong giai đoạn 2021-2025, huy động tối đa các nguồn lực cho giảm nghèo, nhất là vùng “lõi nghèo”, khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS, bằng cách triển khai đầy đủ các hợp phần Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo sự chuyển biến nhanh, rõ nét về đời sống tinh thần, vật chất cho người dân. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 9%/năm trở lên theo chuẩn nghèo mới, đến năm 2023, cứng hóa 100% các tuyến đường giao thông nông thôn từ xã đến các thôn bản.
Tin tưởng rằng, với các nguồn lực đầu tư của trung ương, địa phương, cùng với sự vào cuộc tập trung, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận của người dân, sẽ xóa được “lõi nghèo”, đồng thời từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đặc thù.