Trồng một triệu cây tre, hướng tới sinh kế bền vững cho đồng bào vùng cao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 3/4/2021, những cây tre đầu tiên được trồng xuống tại Sống Lưng Khủng Long, xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, bắt đầu chiến dịch Vì một triệu cây tre Việt Nam, hướng tới sinh kế bền vững cho đồng bào vùng cao.

Sống Lưng Khủng Long là một dải núi thuộc xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Đây là nơi được dự án Thanh Âm Xanh lựa chọn khởi đầu cho Chiến dịch Vì một triệu cây tre Việt Nam.

Vượt qua trời mưa của những ngày đầu tháng 4 và cung đường khó khăn, các lãnh đạo của Tỉnh đoàn Yên Bái, Ủy ban Nhân dân huyện Mù Cang Chải, các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, dàn nhạc, các bạn nhỏ, người dân bản địa đã hăng hái trồng hơn 200 cây tre trên diện tích đất 8.16 ha. Không chỉ hướng tới bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, những cây tre còn mang hy vọng về một sinh kế bền vững cho đồng bào vùng cao ở đây.

Trồng một triệu cây tre, hướng tới sinh kế bền vững cho đồng bào vùng cao ảnh 1

Những cây tre đầu tiên được trồng tại Mù Cang Chải, Yên Bái.

Chiến dịch Vì một triệu cây tre Việt được phát động bởi dự án Thanh Âm Xanh, thuộc Quỹ Khăn ấm cho em với mục tiêu gây quỹ cộng đồng, nhằm xây dựng những cánh rừng tre trên khắp lãnh thổ Việt Nam, với mong muốn giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu.

Chiến dịch cũng hướng đến việc hình thành một hệ sinh thái bền vững từ việc phát triển và làm giàu rừng bằng cây Tre, từ đó giúp đỡ bà con phát triển sinh kế, đồng thời gìn giữ nét đẹp văn hóa tại địa phương.

Từ 200 cây tre ban đầu, trải qua hơn một năm, 8.800 cây tre đã được trồng và đi vào giai đoạn phát triển ban đầu tại Dế Xu Phình. Cũng từ đây, Chiến dịch Vì một triệu cây tre Việt mở rộng ra các khu vực khác của huyện Mù Cang Chải.

Từ đầu năm 2022 đến nay, dự án Thanh Âm Xanh đã thực hiện thành công mô hình sinh kế trồng 10.000 cây tre Mạy Khao Lam trên diện tích 20 ha tại xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, hỗ trợ kinh tế trực tiếp cho 16 hộ dân tại đây.

Trồng một triệu cây tre, hướng tới sinh kế bền vững cho đồng bào vùng cao ảnh 2

Bà con kiểm tra thân ngầm trước khi trồng tre.

Lý giải về việc lựa chọn cây tre, đại diện dự án Thanh Âm Xanh chia sẻ, cây tre hiện đang là giải pháp toàn cầu trong việc giảm thiểu các tác động từ biến đổi khí hậu. Là loài cây sinh trưởng nhanh ở bất cứ điều kiện nào, chỉ cần sau 5 năm, tre đã trở thành rừng tự nhiên và có chức năng cải tạo hệ thống nguồn đất, nguồn nước, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét...

Đây cũng là loại cây duy nhất sử dụng nguồn nước khoảng 6 lít/năm, phù hợp với tất cả các vùng đất khô hạn tại khu vực miền núi Tây Bắc. Tre cũng mang những đặc tính vô cùng thân thiện với môi trường như hấp thụ carbon cao gấp 3- 5 lần và tạo ra lượng oxy gấp 1,5 lần cây gỗ thông thường. Tre cũng là cây tái sinh, chỉ trồng một lần và có thể khai thác liên tục trong vòng 60 năm không cần tái trồng.

Ngoài ra tre còn đóng góp không nhỏ trong việc tạo hiệu quả kinh tế từ lợi ích khai thác từ rừng thông qua khai thác thương mại và du lịch.

Dự án Thanh Âm Xanh đặt mục tiêu từ những cây tre đầu tiên cắm xuống vùng đất Mù Cang Chải, dự án sẽ được nhân rộng, lan tỏa mô hình rừng tre sinh thái bền vững ở nhiều tỉnh thành khác tại Việt Nam.

Gần nhất, Dự án Thanh Âm Xanh sẽ triển khai chương trình gửi 50.000 cây tre cho rừng tại Mù Cang Chải. Dự kiến trồng tre trên diện tích 136,81 ha, hỗ trợ sinh kế bền vững cho hơn 200 đồng bào H’Mong. Dự kiến, chương trình sẽ được triển khai vào tháng 5/2023 tại xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

MỚI - NÓNG