'Chìa khóa' giảm nghèo trên vùng đất khó

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bắc Mê là một trong 7 huyện nghèo của tỉnh, với điều kiện tự nhiên khó khăn, trình độ dân trí hạn chế và chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu, yếu đã trở thành nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Bắc Mê lựa chọn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm là “chìa khóa” giúp người dân thoát nghèo.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, huyện Bắc Mê đã triển khai các tiểu dự án, trong đó tiểu dự án 1 và 3 về phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; hỗ trợ việc làm bền vững là nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, ngành của huyện triển khai, cụ thể: Huyện đã đồng bộ các chính sách, giải pháp về giải quyết việc làm gắn với phát triển thị trường lao động và liên kết vùng để cung ứng lao động; đổi mới, đẩy mạnh công tác dịch vụ việc làm, gắn kết thông tin cung, cầu với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Áp dụng chính sách dạy nghề cho người nghèo, khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề, hướng dẫn hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm trên địa bàn huyện cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp…

'Chìa khóa' giảm nghèo trên vùng đất khó ảnh 1
Lãnh đạo huyện Bắc Mê và doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu tới người dân về các chính sách việc làm.

Với mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%, mỗi năm tạo việc làm cho trên 1.000 lao động; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 80%. Đồng chí Nguyễn Văn Soi, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bắc Mê, cho biết: “Nhằm hoàn thành mục tiêu đã đề ra, Phòng tiến hành đổi mới và tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm theo hướng tiếp cận đến người dân và người lao động; kết nối và trợ giúp lao động nghèo tìm kiếm việc làm ổn định thông qua xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp; tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp đến địa bàn huyện tuyển dụng lao động và đầu tư để tạo việc làm. Tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm tại 13 xã, thị trấn; tổ chức thành công Hội chợ việc làm thu hút hơn 1.800 lượt người tham gia và có 762 người đăng ký đi làm.

Đồng thời, tiến hành rà soát các đối tượng đi lao động thuộc diện hưởng trợ cấp và chi trả. Tìm kiếm, liên kết các công ty với những chế độ đãi ngộ, công việc phù hợp để đưa người dân đi làm; phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, chính quyền địa phương trong việc quản lý, nắm bắt công dân của mình… Qua đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ dân, người lao động”.

'Chìa khóa' giảm nghèo trên vùng đất khó ảnh 2

Huyện Bắc Mê lựa chọn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm là “chìa khóa” giúp người dân thoát nghèo

Được xem là giải pháp hiệu quả, giúp người lao động có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương, huyện giao Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyển sinh theo nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn huyện. Đào tạo theo nhu cầu thực tế của người học gắn với kế hoạch phát triển KT – XH của các xã, thị trấn.

Qua đó, từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm đã tiến hành mở 26 lớp thu hút 547 người học với các nghề, như: Sửa chữa máy nông nghiệp; lắp đặt điện nội thất; nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò, lợn; trồng và khai thác rừng; nhân giống cây ăn quả; trồng rau an toàn; trồng nấm... giúp tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 80%.

Từ nỗ lực và giải pháp trên, từ đầu năm 2022 đến nay, huyện đã tạo việc làm cho trên 1.500 lao động; giai đoạn 2016 - 2020 tổ chức đào tạo nghề cho 2.800 lao động là người nghèo, người dân tộc thiểu số. Qua đó giúp 2.850 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ trung bình, khá từ 39,9% lên 47,81%; có 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 36,55% năm 2016 xuống còn 25,45% cuối năm 2021.

MỚI - NÓNG